Gần đây, lãi suất huy động trên thị trường ghi nhận xu hướng giảm rõ rệt. Từ chỗ neo lãi suất huy động ở mức cao, từ đầu tháng 2 đến nay, các ngân hàng liên tục hạ lãi suất, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại tư nhân đã giảm xuống dưới 8%/năm. Lãi suất tiết kiệm tại 4 ngân hàng quốc doanh về mức 7%/năm kỳ hạn 12 tháng. So với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng hiện giảm khoảng 0,5-2% ở tất cả kỳ hạn.
Lãi suất huy động giảm khiến lãi suất cho vay cũng giảm theo. Gần đây, hàng loạt ngân hàng triển khai các gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất cho vay. Đây được xem là tín hiệu tích cực, tạo tiền đề để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) mới đây cho biết sẽ giảm 0,5% lãi suất đối với các khoản cho vay phát sinh mới. Đại diện Agribank cũng cho hay, đối với các khoản vay hiện hữu, ngân hàng sẽ giảm lãi suất từ 1-1,5%, áp dụng từ 15/3 đến hết tháng 6.
Agribank là ngân hàng thứ hai giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với những khoản vay phát sinh mới, sau khi Vietcombank trước đó cũng công bố giảm lãi vay tương tự.
Ngày 4/5, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm đối với những khoản vay bằng tiền đồng, áp dụng từ 1/5 đến 31/7 nhằm góp phần phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chính sách giảm lãi suất cho vay này không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá, thấu chi…
Cùng xu hướng, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) vừa triển khai các gói tín dụng ưu đãi với quy mô 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.
Theo đó, với gói tín dụng 4.000 tỷ đồng, KienlongBank dành cho các khách hàng cá nhân, với mức ưu đãi giảm lãi tối đa 1%/ năm so với mức lãi thông thường phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, từ nay đến ngày 30/9/2023, KienlongBank triển khai gói ưu đãi lãi suất vay dành cho khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 1.000 tỷ đồng. Khách hàng sẽ được hưởng chương trình giảm lãi suất vay từ 0,5%-2%/năm cùng ưu đãi miễn phí trả nợ trước hạn và ưu đãi giảm phí dịch vụ thanh toán quốc tế lên đến 15%.
Trước đó, MB Bank cũng công bố giảm 1%/năm lãi suất khi khách hàng vay vốn trên nền tảng số BIZ MBBank. Chương trình này được dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng.
Theo báo cáo của NHNN, từ đầu năm, các ngân hàng thương mại đã giảm từ 0,5-1,5% lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng đã chủ động đưa ra gói vay ưu đãi hay đồng loạt giảm lãi suất 0,5% với khách hàng có dư nợ tại nhà băng…
Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ – NHNN cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất.
Dù vậy, mặt bằng lãi vay hiện vẫn khá cao khiến nhiều doanh nghiệp ngại không dám vay bởi kinh tế khó khăn, hoạt động kinh doanh không kham nổi chi phí vốn đắt đỏ. Các doanh nghiệp cho rằng, lãi suất cho vay 10% như hiện nay là quá cao, doanh nghiệp không chịu nổi và liên tục đề xuất giảm lãi suất cho vay cũng như tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn…
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank nhận định lãi suất hiện còn cao. Khách hàng e ngại không dám vay khiến tín dụng tăng trưởng chậm. Thế nên, khi lãi suất tiền gửi giảm, chi phí huy động vốn sẽ giảm theo. Từ đó, các ngân hàng sẽ tính toán để giảm thêm lãi suất cho vay, kích thích người dân vay vốn làm ăn để ngân hàng mở rộng đầu ra.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc các ngân hàng phải giảm mạnh lãi suất huy động do đang dư thừa thanh khoản. Huy động vốn nhiều nhưng không cho vay ra được vì lãi cao, doanh nghiệp khó kiếm đơn hàng, khách hàng cá nhân cũng không dám vay để chi tiêu hay đầu tư. Và đây là một trong những yếu tố tạo sức ép để lãi suất cho vay phải giảm mạnh trong thời gian tới.
“Doanh nghiệp khó khăn, việc hạ lãi suất huy động lẫn cho vay là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ có lợi cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế mà cho cả chính ngân hàng. Hơn nữa, ngân hàng cũng làm đúng vai trò là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế và là cộng sinh với doanh nghiệp”, ông Thịnh nói.