% Arabica đang là cái tên nhận được sự quan tâm lớn từ giới trẻ cũng như người yêu thích cà phê tại Tp.HCM. Đây vốn là thương hiệu có tiếng tại Nhật Bản với hương vị thơm ngon và không gian tối giản nhưng thu hút. % Arabica đã mở hơn 100 cửa hàng tại 19 quốc gia, hầu hết đều đặt tại các vị trí biểu tượng của địa phương và trở thành điểm check-in yêu thích của khách du lịch.
Vì thế mà không khó hiểu khi ngay từ ngày khai trương đầu tiên, cửa hàng % Arabica tại “chung cư cà phê” 42 Nguyễn Huệ đã thu hút nhiều khách hàng ghé tới.
Bên cạnh không gian, đồ uống cũng trở thành tâm điểm chú ý. Ngó qua menu của % Arabica tại Việt Nam, phần lớn các món nước đều là cà phê, ngoài ra có thêm nước chanh, nước lọc. Hầu hết đồ uống đều có 3 lựa chọn về kích cỡ nhỏ – trung bình – lớn, tương ứng là 4oz (120ml), 8oz (240ml) và 12oz (350ml).
Đồ uống rẻ nhất trong menu là Espresso, cũng có giá 65.000 đồng cho ly size nhỏ nhất. Các món khác đều được niêm yết với giá trong khoảng 80.000 – 120.000 đồng/ly. Đáng chú ý, món Matcha Soft Cream cỡ trung bình có giá lên tới 145.000 đồng/ly. Đây là mức giá thuộc phân khúc cao cấp tại Việt Nam, thậm chí cao hơn cả Starbucks – thương hiệu vốn được coi là quán quân về giá trên thị trường.
Đơn giản nhất như cà phê Espresso tại Starbucks đang được bán với giá 40.000-55.000 đồng/ly, rẻ hơn 10.000 – 25.000 đồng so với tại % Arabica. Hay ly cà phê latte, trong khi giá niêm yết cho ba kích cỡ tại Starbucks lần lượt là 60.000 – 70.000 – 80.000 đồng/ly thì với % Arabica là 100.000 – 105.000 đồng/ly. Thậm chí, ly cỡ lớn nhất của %Arabica chỉ tương ứng với ly cỡ vừa tại Starbucks. Menu của Starbucks hiện cũng rất hiếm các món nước có giá từ 115.000 đồng trở lên.
Chưa kể, món nước chanh tại % Arabica đang được niêm yết với giá 90.000 – 100.000 đồng/ly. Còn nếu khách hàng muốn mua nước lọc, cũng phải trả tới… 70.000 đồng.
Theo báo cáo thị trường F&B năm 2022 được iPos công bố, 58% thực khách sẵn sàng chi từ 40.000 VND cho mỗi lần đi cà phê, sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu từ 41.000 – 70.000 VND (mức chi ở các thương hiệu đồ uống tầm trung như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House,…). Chỉ 14% người được hỏi cho biết sẵn sàng chi tiêu từ 70.000 VND (mức chi ở các thương hiệu đồ uống cao cấp như Starbucks, Runam Bistro,…).