Trước đây, tôi khao khát viết sách để thể hiện hình ảnh bản thân và để trở thành… tác giả. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ nếu viết được một cuốn sách, trở thành tác giả thì có vẻ cũng khá thú vị. Thế nên, tôi lao vào viết miệt mài và trong 1 tháng đầu tiên, tôi viết 2 chương liên tục. Tuy nhiên, sau đó thì tôi không biết mình sẽ viết tiếp nội dung gì, hoàn toàn bị khựng lại đến gần 6 tháng.
Chiêm nghiệm lại, tôi thấy khó khăn nhất khi bắt đầu viết sách là động lực. Ban đầu, tôi viết sách vì lý do hào nhoáng muốn trở thành tác giả. Nó có thể khiến mình hăng say giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi bắt tay vào viết, tôi gặp hàng loạt khó khăn khác như bố cục cuốn sách ra sao, không biết sắp xếp ý tưởng thế nào, làm sao để cuốn sách hay, khác biệt… Điều này cộng với lý do viết sách không đủ mạnh khiến tôi hoàn toàn bế tắc ý tưởng. Tôi lấy lý do bận rộn để tự “bào chữa” cho việc ngưng viết này.
Chỉ đến một lần dọn dẹp nhà cửa, tôi phát hiện rất nhiều bản thảo đã viết trước đó về nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện, chủ đề mà tôi yêu thích. Và, tôi nhận ra lý do viết để trở thành tác giả thật “trẻ con”. Bên cạnh đó, khi đi dạy, tôi thấy nhiều người quan tâm đến nghệ thuật thuyết trình và tôi có động lực muốn “đóng gói” kiến thức để lan tỏa đến mọi người.
Khi lấy mục tiêu trao giá trị, trao ý nghĩa đến cộng đồng doanh nghiệp thì tôi mới có kế hoạch viết lách chỉn chu hơn. Mỗi sáng, tôi dành thời gian để viết sách, nghiên cứu, làm việc với những mentor (cố vấn) và các chuyên gia. Khi đó, việc viết sách trở thành thói quen, có sự kỷ luật hơn và tôi hoàn tất được cuốn đầu tiên là Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện.
Tính đến nay, tôi đã xuất bản được 3 cuốn sách và niềm đam mê viết lách không dừng lại, tôi đặt mục tiêu mỗi năm hoàn thành 1 cuốn sách. Tôi cũng đang viết cuốn thứ tư Nghệ thuật bán hàng bằng câu chuyện.
Mỗi khi xuất bản một cuốn sách, tôi đều rất hài lòng. Không chỉ muốn sách dễ hiểu, có tính ứng dụng cao, tôi còn muốn sách phải bắt mắt. Tôi đầu tư thiết kế, vẽ hình minh họa sinh động và “công thức hóa” một số nội dung thành Infographic chứ không chỉ dàn trang thông thường.
Khi đi đào tạo ở các doanh nghiệp, tôi thấy nhiều học viên muốn được thực hành trên các tình huống cụ thể, do đó mỗi lần tái bản, tôi phải chỉnh sửa, bổ sung vào sách những câu chuyện, bài tập và ví dụ minh họa, sao cho sách có tính ứng dụng cao nhất.
Lợi ích lớn nhất với tôi khi viết sách không phải quảng bá các khóa đào tạo doanh nghiệp, mà mình được học hỏi và trưởng thành hơn rất nhiều. Mỗi thông tin viết ra đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc, do đó tôi phải học, nghiền ngẫm rất nhiều tài liệu liên quan.
Tôi đưa vào sách những gì học viên, các lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm nhất trong quá trình đào tạo. Ngoài ra, khi viết sách, tôi cũng được kết nối, trò chuyện với những người đang làm công việc này ở các tập đoàn nước ngoài. Nhờ vậy, tôi được mở mang kiến thức, học hỏi rất nhiều.
Một lợi ích nữa là viết sách giúp tôi có tính kỷ luật, làm việc có nguyên tắc và được làm những điều mình yêu thích. Viết sách cũng giúp tôi rất nhiều trong hoạt động đào tạo doanh nghiệp. Sách là sản phẩm được “đóng gói” để học viên nắm kiến thức nền tảng trước, giúp việc học trên lớp hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian của doanh nghiệp. Ngoài ra, sau khóa học, cuốn sách cũng nhắc nhớ những công thức, nguyên tắc để họ tiếp tục áp dụng hiệu quả hơn vào doanh nghiệp mình.
Từng làm việc với nhiều doanh nghiệp, tôi thấy các doanh nhân là những người có kiến thức rộng, hiểu biết cao, nhưng cũng rất bận rộn. Vậy làm sao để họ có thể đào tạo được đội ngũ kế thừa và giúp nhiều người thành công như họ mà ít gặp khó khăn, trở ngại hơn? Chỉ có thể là viết sách!
Từ trải nghiệm bản thân, được học hỏi, thay đổi, phát triển và rút ngắn thời gian làm nghề hơn nhờ những cuốn sách, do đó tôi rất mong các doanh nhân dành thời gian, ưu tiên việc viết sách; vì sách sẽ giúp “đóng gói” kiến thức, kinh nghiệm của họ, giúp nhiều người có con đường sự nghiệp và cuộc sống tốt đẹp hơn.