Để tìm ra giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp khi vừa ứng dụng chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động kinh doanh vừa ngăn chặn được hàng giả, bảo vệ được các quyền sở hữu trí tuệ của mình trên nền tảng số. Đồng thời giúp các cơ quan chức năng, thực thi tìm ra các biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh trên môi trường internet, đặc biệt là thương mại điện tử (TMĐT), ngày 9/12/2022, Cục sở hữu trí tuệ – VPDD tại TPHCM, Hội Sáng chế Việt Nam, Công ty Vina CHG và Cổng truyền thông chống hàng giả Việt Nam (CHG.VN) đã tổ chức Hội thảo về “Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống hàng giả”.
Tại buổi Hội thảo, ông Trần Giang Khuê – Trưởng VPĐD Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT bán ở khắp nơi, kể cả chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại… Cứ ở đâu có hàng thương hiệu, có uy tín, có giá trị lớn là ở đó có hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT. Trong khi đó, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT gặp rất nhiều cam go do website giả, trang TMĐT bán hàng giả, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… bán hàng thật, hàng giả lẫn lộn với nhau. Thậm chí rất nhiều hàng có thương hiệu có uy tín được bày bán trong các cửa hàng cửa hiệu, trên Internet…
Theo ông Đặng Văn Dũng – Phó Chánh văn phòng, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trong những năm vừa qua cơ quan quản lý liên tục tổ chức các đợt kiểm tra tuy nhiên số vụ hàng giả, hàng nhái vẫn còn rất lớn với quy mô và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn rất nhiều. Các mặt hàng bán chạy trên thị trường đa số đều bị làm giả. Phổ biến nhất hiện nay là hàng thời trang quần, áo, mắt kính, đồng hồ, các loại mỹ phẩm, thực phẩm, thậm chí cả thuốc. Đặc biệt, vào những dịp lễ tết, những tháng cuối năm thì tình hình buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền, gian lận thương mại tăng lên.
Thống kê của Bộ Công Thương, ước tính trong thời gian tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên thương mại điện tử (TMĐT) sẽ chiếm tới 50 – 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Ông Trần Giang Khuê – Trưởng VPĐD Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh khẳng định, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT bán ở khắp nơi, kể cả chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại… Cứ ở đâu có hàng thương hiệu, có uy tín, có giá trị lớn là ở đó có hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT. Trong khi đó, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT gặp rất nhiều cam go do website giả, trang TMĐT bán hàng giả, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… bán hàng thật, hàng giả lẫn lộn với nhau. Thậm chí rất nhiều hàng có thương hiệu có uy tín được bày bán trong các cửa hàng cửa hiệu, trên Internet…
Theo ông Lê Huy Anh – Trưởng phòng thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử đã trở thành một kênh mua sắm dễ tiếp cận, có phạm vi xuyên biên giới, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đây là loại hình kinh doanh tiên tiến, là xu thế phát triển không thể đảo ngược, là kênh thương mại vô cùng thuận lợi để chủ thể quyền tiếp cận và tương tác với người tiêu dùng.
Hiện trên môi trường mạng rất khó xác định nguồn gốc hàng hoá xâm phạm quyền, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt hàng trực tuyến, phân tán hàng hóa nhiều nơi. Chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng, chủ yếu sử dụng dịch vụ vận chuyển để giao hàng. Các đối tượng che giấu thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc, mua bán, thanh toán, vận chuyển, gây khó khăn cho công tác điều tra. Mặt khác, công tác giám sát việc tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các sàn thương mại điện tử còn chưa thực sự hiệu quả. Việc áp dụng biện pháp chặn đối với các trang web thương mại điện tử có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn chậm.
Ông Trần Giang Khuê cho rằng mức phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm kinh doanh hàng giả hiện quá thấp (tối đa 250 triệu đồng đối với cá nhân, tối đa 500 triệu đồng đối với tổ chức) trong khi đối tượng kinh doanh hàng giả thu siêu lợi nhuận. Hiện đã có đầy đủ quy định pháp luật và mức xử lý vi phạm hàng giả, hàng nhái mạnh hơn. Việc xử lý vi phạm trên không gian mạng giống vi phạm ở không gian thật; tuy nhiên, pháp luật chưa theo kịp thực tế vi phạm trên không gian mạng.
Chia sẻ những giải pháp từ việc ứng dụng công nghệ số trong chống hàng giả, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG cho biết, là một doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa ra những giải pháp chống hàng giả, hàng nhái từ rất lâu, hiện nay CHG đã triển khai thêm nhiều ứng dụng mới như đầu tư thêm nhà máy, công cụ để sản xuất con tem chống hàng giả loại mới, hiện đại nhằm giúp người tiêu dùng dễ nhận diện hàng hóa và góp phần cùng cơ quan quản lý Nhà nước giám sát thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Mới đây, Công ty Vina CHG đã mở rộng đầu tư mở xây một nhà máy sản xuất tem chống giả trên bao bì. Theo ông Hồng, việc dùng tem chống giả trên bao bì sẽ giúp doanh nghiệp giảm rất nhiều chi phí cho chống hàng giả. Vì trước đây thay vì phải dán tem chống giả trên từng sản phẩm thì bây giờ có thể tiết kiệm bằng việc dán trên một bao bì. Bên cạnh đó, CHG cũng đã tập trung thiết kế một phần mềm để truy vết nguồn gốc sản phẩm nhằm giúp doanh nghiệp truy vết kho. Vì hệ thống đại lý quản lý tốt thì sẽ không có chuyện tuồn hàng giả vào.
Để tăng cường hiệu quả thực thi quyền SHTT trên môi trường số, theo các nhà quản lý kinh tế thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi như Công an, bộ đội biên phòng, hải quan, thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng) trong việc kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu.
Bên cạnh đó, cũng tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chủ thể quyền với các cơ quan thực thi, chủ sàn TMĐT trong việc cung cấp hàng thật, nhận biết hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT; Hoàn thiện cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ sàn TMĐT đối với hàng hoá xâm phạm quyền SHTT (ký thoả thuận giữa chủ thể quyền SHTT với nhà cung cấp dịch vụ trung gian); Tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ để rà soát đầu vào và nhanh chóng gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền SHTT ra khỏi các sàn TMĐT. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường số và TMĐT.
Nhằm giúp người tiêu dùng có các kinh nghiệm, kiến thức để nhận diện hàng giả, đại diện bộ Công Thương cho rằng cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về những nguy hại của hàng giả tới doanh nghiệp, xã hội và cộng đồng cũng như phổ biến kiến thức rộng rãi để giúp tiêu dùng mua được hàng thật, hàng chất lượng, hàng đúng giá.
Theo đó, người tiêu dùng nên chọn những trang website đã được đăng ký với Bộ Công Thương hoặc cơ quan chủ quản nhà nước. Mua ở gian hàng ở các nền tảng thương mại điện tử chính thức. Bởi vì tất cả những hàng hóa đó sẽ được đảm bảo về chất lượng, giá cả. Trước khi mua hàng cần đọc kỹ những bình luận ít sao để tìm hiểu xem những hạn chế của sản phẩm đó là gì để từ đó có thể đưa ra quyết định chính xác cho sự lựa chọn của mình.
Trong những năm gần đây, thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh khoảng 30-35% mỗi năm. Năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, cũng trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Lan Hương