Tùng Dương và Trọng Tấn được biết đến là hai nam ca sĩ có kỹ thuật và giọng hát tốt bậc nhất trong thị trường âm nhạc hiện nay, nhưng lại không giống nhau về lối hát lẫn âm sắc giọng.
Nếu Tùng Dương đứng đầu trong các giọng nam hát nhạc đại chúng thì Trọng Tấn sở trường ở mảng nhạc bán cổ điển, thính phòng, với hai lối hát đối lập nhau. Tùng Dương thường xử lý ca khúc theo hướng Soul/R&B với nhiều cú melisma, run/riff thì Trọng Tấn lại hát theo hướng thanh nhạc cổ điển với vị trí âm thanh rộng, cộng hưởng lớn.
Bản chất hai giọng hát cũng không giống nhau. Tùng Dương là tenor 2 với âm sắc dày, ấm áp của mộc pha kim còn Trọng Tấn lại là tenor 1 sáng, sắc bén thuần kim.
Vì vậy, ít ai nghĩ tới chuyện hai giọng hát này có thể đứng chung sân khấu với nhau. Thế nhưng, bằng sự tinh tế, khéo léo của mình, họ vẫn có được những màn song ca hòa quyện.
Trong liveshow Tùng Dương hát tình ca, Tùng Dương đã mời Trọng Tấn cùng hát ca khúc kinh điển Mẹ yêu con, theo phong cách bán cổ điển và khiế khiến khán giả phấn khích.
Mẹ yêu con là một sáng sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, với nội dung đan xen giữa tình mẫu tử và tình yêu quê hương đất nước.
Bài hát bất hủ này đã được thể hiện thành công qua nhiều giọng hát huyền thoại như NSND Lê Dung (phong cách thính phòng), NSND Thanh Huyền (phong cách dân ca). Thậm chí, nó còn được hai diva nhạc nhẹ là Thanh Lam và Mỹ Linh hát lại với phong cách đầy tươi mới.
Tuy đã từng trải qua nhiều giọng hát khác nhau, nhưng Mẹ yêu con rất hiếm khi được thể hiện qua giọng nam.
Vì vậy, khi Tùng Dương và Trọng Tấn cùng bước lên sân khấu để hát Mẹ yêu con, khán giả đã vô cùng bất ngờ và phấn khích.
Là giọng nam, lại hát bài của nữ, nhưng cả Tùng Dương và Trọng Tấn đều giữ được sự nam tính, rắn rỏi của mình qua từng câu hát, mà vẫn truyền tải cảm xúc một cách trọn vẹn, không thua kém gì những giọng nữ khác.
Cùng là nam cao (tenor), nhưng Tùng Dương vốn là tenor 2, với lợi thế giọng dày, ấm áp, màu giọng tối nên đảm nhiệm phần quãng trung và trầm. Trong khi đó, Trọng Tấn lại là tenor 1, với lợi thế giọng sáng, bay nên đảm nhiệm phần quãng cao.
Điều này giúp họ bè phối nhịp nhàng, ăn ý và đưa đẩy cho nhau để cùng tạo nên một màn trình diễn đa thanh sắc, có trầm có bổng.
Tùng Dương là người mở màn ca khúc, với phần hát trầm trên quãng 2, quãng 3 (A2 – F3) để dẫn dắt câu chuyện trong bài hát và cũng như dòng suối âm thanh đi từ thấp tới cao. Có thể thấy, trong đoạn dạo đầu này, cách nhả chữ của anh mang hơi hướm dân gian đương đại hơn là bán cổ điển.
Tiếp sau quãng trầm, Tùng Dương vuốt giọng lên quãng 4 để bắt mạch và đưa đẩy câu chuyện.
Với một người sành nghe vocal, chắc hẳn sẽ khá ấn tượng với chữ “từ” và chữ “mấy” được Tùng Dương hát trên A#3, kèm theo độ tỏa và rền khá lớn.
Thông thường, để cộng hưởng âm thanh, ca sĩ phải đẩy giọng lên quãng 4 để sử dụng giọng pha (mixed voice). Tuy nhiên, Tùng Dương vẫn có thể cộng hưởng tốt ở note trầm A#3, chứng tỏ kĩ thuật cộng minh của anh rất vững.
Để làm được điều này, Tùng Dương phải dựng âm thanh và đẩy lên khoang tạo vang ở vùng đỉnh đầu theo lối thanh nhạc cổ điển. Rõ ràng, nhờ được đào tạo bài bản, Tùng Dương đã phát huy tốt lợi thế của tenor 2 và áp dụng nó trong ca hát, chứ không chạy theo quãng cao như nhiều giọng tenor trẻ ngày nay.
Giọng mộc là loại giọng rất đẹp và hiếm, nó nổi bật ở tính airy voice (âm hơi) cùng chất xốp. Tùng Dương may mắn sở hữu loại giọng này và anh đã thể hiện nó rất rõ trong từng câu hát, khiến ca khúc trở nên mềm mại, ngọt ngào và ấm áp hơn bao giờ hết.
Tiếp nối sự trầm mặc của Tùng Dương, tiếng hát Trọng Tấn từ xa cất lên với một tràng A#4, G#4, làm sáng rực cả không gian.
Đối lập với Tùng Dương, Trọng Tấn sở hữu giọng tenor 2, lại là giọng kim nên nổi bật ở cao độ, âm sắc sáng và tính xuyên thấu. Anh vừa cất giọng lên đã chói chang như một tia nắng rực rỡ và xuyên thủng cả dàn nhạc.
Chính điều này đã thổi bùng ca khúc lên, thắp cho nó tràn trề hi vọng và niềm tin, cũng như đem lại sự hừng hực khí thế, đúng nghĩa một khúc tráng ca vì Tổ quốc.
Đỉnh cao kĩ thuật của Trọng Tấn nằm ở chữ “dáng”, khi anh đang lên giọng cao trào ở G4 thì bỗng thả giọng nhỏ li ti mà vẫn giữ nguyên cao độ, không một chút gợn.
Trong thanh nhạc cổ điển, lối hát này gọi là pianissimo (hát nhỏ tiếng). đòi hỏi sự kiểm thoát hơi thở và giọng hát ở mức thượng thừa.
Cũng ở chữ “dáng” trên nốt G4 đó, Tùng Dương lại không chọn cách hát pianissimo như Trọng Tấn mà tung ra tràng belt đầy cộng hưởng và đạt tới độ rền, áp đảo cả dàn nhạc. Điểm đặc biệt ở Tùng Dương khi belt G4 là dù tạo ra âm lượng lớn, nhưng có độ xốp, nên nghe vẫn dễ chịu và sảng khoái.
Về phía Trọng Tấn, tuy phải tiết chế và không bung hết sức để phù hợp với Tùng Dương, nhưng anh vẫn tạo được độ căng tràn cho ca khúc, hát nốt nào là vang dội nốt đó.
Bỏ qua vấn đề kĩ thuật, cả hai nam ca sĩ đã có một màn song ca vô cùng hòa quyện. Dù một hát nhạc nhẹ, một hát thính phòng, nhưng họ vẫn ăn ý với nhau, người tiến người lùi, nhường nhịn và đưa đẩy rất hợp lí để thể hiện trọn vẹn cảm xúc, sắc thái ca khúc, mà vẫn nổi rõ được phong cách nhạc riêng của mình lên.
Bởi vậy, có thể nói, đây là phần trình diễn dành cho giọng nam hay nhất của ca khúc Mẹ yêu con từ trước tới nay.