Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu đã có những bước tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được Công ty Nghiên cứu thị trường eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.
Theo Báo cáo Kinh tế khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế Internet Việt Nam nhanh nhất trong khu vực, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên quy mô 23 tỷ USD trong năm 2022, trong đó, 14 tỷ USD là từ lĩnh vực TMĐT. Dự báo kinh tế Internet Việt Nam đã đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025, trong đó TMĐT chiếm tới 32 tỷ USD. Đặc biệt, hàng Việt đã được quảng bá, xuất khẩu thông qua các chương trình hợp tác về TMĐT xuyên biên giới.
Hiện hàng Việt đã được quảng bá, xuất khẩu thông qua các chương trình hợp tác về TMĐT xuyên biên giới với các đối tác là sàn TMĐT quốc tế lớn như Amazon, Alibaba… qua đó giúp các DN mở rộng xuất khẩu. Đã có rất nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng… được xuất khẩu trực tiếp từ DN sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới thông qua TMĐT.
Trên thực tế, cùng với cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các DN thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu. Chia sẻ tại sự kiện kết nối “Hỗ trợ DNNVV kết nối với thị trường thế giới qua TMĐT” mới đây, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV cho biết, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, kết nối với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Đây là những điều kiện thuận lợi để mở rộng cánh cửa thị trường cho các DN Việt. Đồng thời cũng là cơ hội để thu hút đầu tư, công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, TMĐT đang từng bước trở thành xu hướng tất yếu và là cơ hội lớn để giới thiệu sản phẩm của quốc gia đến toàn thế giới.
Mặc dù vậy, các DNNVV cũng đang gặp không ít thách thức khi tham gia TMĐT. Nhiều DN thiếu nhân lực có kỹ năng ngoại ngữ, hiểu biết về sản phẩm cũng như thị trường quốc tế. Đó là yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc xử lý đơn tin và khả năng hoàn thiện đơn hàng của DN.
Trên thực tế, mặc dù tăng trưởng khá tích cực, song thị trường TMĐT của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn trong các vấn đề như thanh toán trực tuyến, hoàn tất đơn hàng, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực, môi trường chính sách và pháp luật…
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số -Bộ Công thương cho rằng, để hỗ trợ DN tìm kiếm khách hàng qua kênh TMĐT, cần hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển TMĐT như hạ tầng, nhân lực, khuyến khích khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo và tích cực tham gia ứng dụng TMĐT; chuẩn hoá thị trường, chuẩn hóa thông tin…
Đồng thời chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc trong xây dựng thương hiệu nhằm tăng cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng và gia tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa của DN. Bản thân mỗi DN cũng cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất, nhằm tạo ra những sản phẩm tốt, có xuất xứ rõ ràng để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, để kích thích TMĐT phát triển, Chính phủ cần có những cơ chế thuận lợi cho DN; hoàn thiện hạ tầng pháp lý; xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, làm cơ sở mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước…