Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản hoàn toàn do các tổ chức tín dụng quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng.
Tính đến ngày 25/4, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,75% so với cuối năm 2022. Trong khi tại thời điểm cuối quý 1 năm ngoái, tăng trưởng tín dụng đã đạt tới hơn 4%.
Theo bà Hồng, tín dụng tăng chậm trong bối cảnh đầu năm không chịu hạn chế bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng và trong điều kiện thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng được cải thiện. Điều này cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do các doanh nghiệp không có đầu ra, đơn hàng giảm nên nhu cầu và vốn giảm.
Bên cạnh đó, tín dụng bất động sản gặp khó khăn chủ yếu do yếu tố pháp lý nên tăng không cao như thời gian trước đây. Tín dụng bất động sản chỉ tăng 3,51% sau 4 tháng đầu năm 2023.
Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, NHNN có những ưu đãi cho lĩnh vực này, hiện nay 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã chuẩn bị vốn để sẵn sàng cho vay khi các địa phương công bố các dự án. Ngoài ra, còn rất nhiều gói khác của các ngân hàng thương mại triển khai, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại nhà nước.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng công bố định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 từ 14 – 15%, Ngân hàng Nhà nước vừa phân bổ hạn mức (room) tín dụng năm 2023 riêng cho từng ngân hàng.
“Bởi vậy, đối với trường hợp của Việt Nam, không nên dựa quá nhiều vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là tín dụng dài hạn, mà thay vào đó, để thúc đẩy tăng trưởng cần thúc đẩy đầu tư công và các nguồn vốn khác để đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế vĩ mô, tiền tệ”, bà Hồng nói.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc phân bổ room tín dụng năm 2023 đối với từng ngân hàng căn cứ theo một số tiêu chí cơ bản, trong đó có kết quả chấm điểm xếp hạng ngân hàng đến thời điểm gần nhất.
Cụ thể, room tín dụng của MSB 13,5%, HDBank được cấp room 11%, giảm so với 15% của năm 2022. ACB được tăng tín dụng 9,8%, VIB được 9,5% trong khi năm 2022 là 10%. TPBank được cấp room tín dụng 9,1%; VPBank và MBB cùng mức tăng 9% trong khi năm trước 15%…
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết tiếp cận vốn cho lĩnh vực bất động sản vẫn rất khó khăn. Mới đây, Thành phố Hà Nội kiến nghị NHNN nới room tín dụng nhằm cho phép các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, đồng thời người mua nhà cũng có điều kiện vay vốn để mua nhà.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thực tế những năm qua, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thường cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế – ngay cả trong quý I/2023 khi tín dụng tăng trưởng chậm.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản hoàn toàn do các tổ chức tín dụng quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. Những tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng không chạm trần tăng trưởng tín dụng.
Trước đó, ông Đào Minh Tú, cũng đã khẳng định, NHNN chưa có một văn bản nào nói về siết tín dụng bất động sản, mà chỉ kiểm soát hiệu quả nguồn vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, phân khúc bất động sản cao cấp…
Theo đánh giá của chuyên gia, thay vì siết chặt tín dụng, các ngân hàng nên đánh giá uy tín và năng lực của chủ đầu tư, chất lượng và hiệu quả tài chính của các dự án bất động sản sử dụng nguồn vốn này cũng cần được xém xét kỹ lưỡng. Từ đó, ngân hàng có thể đảm bảo các dự án sẽ được triển khai đúng thời hạn và có đủ dòng tiền để trả các khoản vay và nợ gốc.
Trong văn bản mới đây, NHNN cho biết, trong năm nay sẽ tiếp tục kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng, cho vay chéo…, yêu cầu các ngân hàng thương mại cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.