Lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm xuống vùng 1%
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90-95% giá trị giao dịch) trong phiên ngày 22/3 đã giảm về còn 1,55%/năm, mức thấp nhất kể giữa tháng 7/2022. So với ngày 21/3, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm 0,5 điểm %.
So với cuối tuần trước, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng đã giảm hơn một nửa và giảm 4,85 điểm % so với mức cao điểm ghi nhận hồi đầu tháng 3.
Tương tự, lãi suất liên ngân hàng ở các hạn còn lại cũng ghi nhận giảm mạnh so với phiên trước đó. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng giảm từ 0,32-1,11 điểm %, xuống lần lượt 1,98%/năm, 2,26%/năm và 4,44%/năm.
Trước đó, ngày 20/3, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm xuống mức 2,7%/năm, tương đương giảm 0,8 điểm%. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối tháng 8/2022, lãi suất liên ngân hàng tại kỳ hạn này giảm xuống dưới mức 3%/năm.
Hồi đầu năm 2022, lãi suất qua đêm liên ngân hàng chỉ ở mức 0,1-1%/năm. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2022, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã lên mức 5-6%/năm, có thời điểm đạt mức cao kỷ lục trên 7%/năm do căng thẳng thanh khoản hệ thống.
Từ đầu năm 2023, lãi suất liên ngân hàng đã dần hạ nhiệt. Hơn 1 tuần nay, lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu sau khi NHNN quyết định giảm một số loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3.
Cụ thể, NHNN giảm 1 điểm % cho lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.
Kể từ sau khi NHNN quyết định điều chỉnh giảm một số mức lãi suất điều hành từ 15/3, lãi suất huy động cũng giảm mạnh. Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đã giảm mạnh tại nhiều kỳ hạn.
Một số ngân hàng quốc doanh cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, VietinBank từ ngày 22/3 giảm lãi suất tiết kiệm online khoảng 0,5-0,6 điểm %. Trước đó, BIDV đã giảm lãi suất cao nhất xuống còn 7,7%/năm.
Hiện những ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất thị trường vẫn là nhóm ngân hàng nhỏ. Trong đó, mức trên 9%/năm được ghi nhận ở một số nhà băng như BaoVietBank, OCB, ABBank, BacABank,…
Động thái điều chỉnh lãi suất vẫn chưa dừng lại. Mới đây nhất, ngày 23/3, Sacombank đã thay đổi biểu lãi suất huy động mới, trong đó điều chỉnh giảm 0,3-0,6 điểm % ở nhiều kỳ hạn.
Việc lãi suất huy động hạ nhiệt tạo điều kiện cho lãi vay giảm theo. Gần đây, thực hiện các chủ trương của NHNN, nhiều ngân hàng đã rục rịch giảm lãi suất cho vay và đồng loạt triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Theo NHNN, tính đến cuối tháng 2/2023, tổng cộng đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân; lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới giảm khoảng 0,43%/năm so với cuối năm 2022.
Nhu cầu tín dụng thấp, thanh khoản dồi dào
Bên cạnh việc giảm lãi suất điều hành, để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, NHNN định hướng cung ứng thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống. Phiên giao dịch 15/3, thay vì kỳ hạn 7 ngày, NHNN đã quay trở lại chào thầu trên thị trường mở với kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 5,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Tuy chỉ có 1 thành viên tham gia và trúng thầu 562,48 tỷ đồng nhưng động thái này cho thấy định hướng cung ứng thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống ngân hàng của cơ quan quản lý tiền tệ.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022, NHNN sử dụng kỳ hạn 28 ngày cho các hợp đồng cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Trước đó, nhà điều hành chỉ sử dụng các hợp đồng 7 ngày và 14 ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng trong 2 tháng đầu năm, sau khi tạm dừng các hợp đồng kỳ hạn 91 ngày vào trung tuần tháng 12/2022.
Cùng với việc bơm thanh khoản dài hạn hơn, NHNN cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản. Sau khi trừ lượng OMO đáo hạn, trong phiên giao dịch 15/3, NHNN đã bơm ròng vào hệ thống ngân hàng 18.940 tỷ đồng, đánh dấu phiên bơm ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 2.
Trong tuần từ 13-17/3, nghiệp vụ thị trường mở được sử dụng với khối lượng khá hạn chế xuyên suốt tuần. Đáng chú ý, NHNN không phát hành khối lượng mới nào trên kênh bán tín phiếu sau hơn 1 tháng được sử dụng liên tục.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, trên kênh cầm cố, chỉ có 3.100 tỷ đồng được phát hành, trong đó chủ yếu trong những phiên đầu tuần với lãi suất 6% và kỳ hạn 7 ngày.
Tính chung trong tuần từ 13-17/3, NHNN đã đảo chiều bơm ròng gần 52.500 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khối lượng lớn tín phiếu đáo hạn. Khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu giảm còn 110.700 tỷ đồng; khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 3.100 tỷ đồng.
Đồng thời, để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, NHNN cũng đã dừng phát hành tín phiếu mới hút tiền từ đầu tuần trước.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã trở nên dồi dào hơn trong những tuần gần đây. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện thanh khoản của hệ thống đã dồi dào trở lại, vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc.
Thanh khoản hệ thống dồi dào hơn do nhu cầu tín dụng còn thấp.
Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 24/2 mới chỉ đạt 0,77%, chưa bằng 1/3 mức tăng cùng kỳ năm 2022.
Thanh khoản dồi dào cùng với lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp khiến các nhà băng không còn mặn mà với kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) của NHNN.
Trong 3 phiên 15/3, 16/3 và 20/3, chỉ có 1 thành viên tham gia vay vốn mỗi phiên. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống đang ở trong trạng thái khá dư thừa.
Đến phiên giao dịch 23/3, NHNN tiếp tục chào thầu mua kỳ hạn giấy tờ có giá 28 ngày nhưng không có thành viên nào tham gia đấu thầu. Đây là phiên thứ ba liên tiếp hệ thống ngân hàng không vay một đồng nào từ NHNN trên kênh OMO.