Hấp thụ vốn yếu, lãi suất giảm là tất yếu
Ngày 23/5, NHNN đã có lần thứ ba điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành tính từ đầu năm nay. Phản ứng về động thái này, lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) cho rằng, giảm lãi suất điều hành của NHNN lần này là quyết định phù hợp và kịp thời để hỗ trợ cho khách hàng và cả các NHTM. Đồng thời, động thái này cho thấy nhà điều hành mong muốn lãi suất của thị trường hạ xuống. Theo đó, trong thời gian tới, lãi suất sẽ giảm và chi phí vốn cũng sẽ giảm.
Ông Lê Quang Vinh – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, đây là một quyết định đúng đắn, đúng thời điểm. Vietcombank cũng sẽ nhanh chóng triển khai các nội dung liên quan để trả lãi suất theo chỉ đạo của NHNN.
Ông Vinh nhận định: “Khi mặt bằng lãi suất huy động được giảm đồng đều thì đương nhiên lãi suất cho vay sẽ giảm tương ứng. Vietcombank cũng đang theo sát và sẽ khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất”.
Ông Phạm Như Ánh – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) nhận định, với thị trường hiện đang hấp thu vốn rất yếu và kinh tế rất khó khăn như hiện nay thì việc giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ được nhiều cho khách hàng và ngân hàng trong thời gian tới.
Ông Ánh cho biết, từ đầu năm đến nay MB đã tung ra các gói tín dụng lãi suất thấp với quy mô khoảng 120.000 tỷ đồng để phục vụ các nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời, MB cũng đã giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng với số tiền lên tới 500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) nhận xét, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn thì việc hạ lãi suất là cần thiết và nên làm. Với động thái này của NHNN, chắc chắn trong thời gian tới, lãi suất sẽ hạ xuống và chi phí vốn cũng hạ.
Ông Hưng cho biết, trong quý IV/2022 và quý I năm nay có lúc lãi suất lên… nhưng sau các quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN thì lãi suất giảm, và chỉ khi các lãi suất trên thị trường hạ xuống chi phí vốn hạ thì các NHTM mới có khả năng điều chỉnh mức lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân, khi đó sẽ hỗ trợ tốt hơn cho phát triển kinh tế.
Theo ông Hưng, trong giai đoạn hiện nay, thu nhập của doanh nghiệp đang giảm thấp, chi phí tài chính cao quá cũng là bước cản trở đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng. Một khi lãi suất dễ chịu hơn, lúc ấy mọi việc sẽ thuận lợi hơn, các quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ có thể khả thi hơn, chúng ta có thể kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng.
Tuần tới, ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay
Sáng 25/5, NHNN tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại để thống nhất việc giảm lãi suất cho vay. Cuộc họp diễn ra vào ngày áp dụng đầu tiên của mức trần lãi suất mới được NHNN quyết định ngày 23/5.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc OCB cho biết, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải đồng loạt giảm lãi suất cho khách hàng cũ và mới. Trong vài ngày tới, các ngân hàng sẽ giảm lãi suất rất mạnh.
Dù khẳng định lãi vay sẽ giảm dần nhưng lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng cho rằng, cần thêm thời gian để ngân hàng hạ chi phí vốn. Trên thực tế, hiện nhiều ngân hàng vẫn đang tồn lượng vốn huy động lãi suất cao thời gian qua và cần thời gian để huy động nguồn vốn lãi suất thấp cũng như “tiêu thụ” nguồn vốn chi phí cao huy động từ trước.
Theo Tổng Giám đốc OCB, thời gian qua, dù đã có xu hướng hạ nhiệt nhưng mức giảm của lãi suất cho vay chưa thể tương ứng với mức giảm lãi suất huy động. Nguyên nhân là do độ trễ giữa lãi suất huy động và cho vay (lãi suất cho vay hiện tại dựa trên giá vốn của huy động trong quá khứ). Theo đó, lượng tiền cho vay hiện nay đến từ giai đoạn các ngân hàng phải huy động phải lãi suất cao trong cuối năm 2022 và đầu quý I/2023, các ngân hàng vẫn đang phải trả lãi cao cho số tiền huy động này nên chưa thể giảm lãi suất cho vay ngay lập tức.
Vị CEO này cho hay: Có ngân hàng huy động lên tới 10 – 11%/năm cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hồi cuối năm 2022 thì vẫn phải trả mức lãi suất này trong vài tháng nữa mới hết kỳ hạn. Do hàng tồn kho giá vốn cao vẫn còn rất nhiều nên nếu giảm lãi suất cho vay đột ngột sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc TPBank lý giải: “Các ngân hàng thương mại đã cố gắng tiết kiệm vốn và chi phí tối đa để có cơ hội giảm lãi suất cho vay, song chi phí vốn là yếu tố chiếm cấu phần lớn nhất của lãi suất cho vay nên chỉ khi giảm được chi phí vốn, ngân hàng mới có thể giảm đáng kể lãi suất cho vay”.
Trước đó, vào ngày 24/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và một số NHTM nhà nước về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh ngân hàng và doanh nghiệp “phải đi chung con đường”. Ngân hàng là định chế đặc biệt quan trọng nên phải đảm bảo an toàn cho hệ thống; việc điều hành thị trường tiền tệ cũng phải tuân thủ các quy luật của thị trường…
Phó Thủ tướng đề nghị NHNN và hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ tại cuộc họp, lãnh đạo các ngân hàng thương mại lớn (Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, MB, Techcombank) đồng thuận sẽ tiếp tục “chắt chiu”, tiết giảm chi phí hoạt động, nỗ lực để tiếp tục giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào những lĩnh vực có khả năng tiếp cận vốn, các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…