Thay đổi từ nhận thức
Đây là một hình thức phạt rất mới, được nhiều học sinh và cả phụ huynh cho rằng hay và nhân văn, mang tính giáo dục.
Quang Anh, học sinh lớp 11 trường THPT Bùi Thị Xuân, là một trong số những học sinh thực hiện hình phạt đọc sách – viết cảm nhận, hào hứng chia sẻ, trước đây thường khi vi phạm em và các bạn sẽ phải thực hiện lao động công ích như quét dọn nhà vệ sinh, lau nhà và em cảm thấy không thích hình phạt này.
Tuy nhiên, từ khi phạt bằng hình thức đọc sách, Quang Anh hoàn toàn ủng hộ. Cũng từ đó, em biết được trường mình có nhiều cuốn sách hay để đọc và kể cả không bị phạt em cũng lên thư viện tìm đọc.
“Hôm trước em đọc cuốn “Little stories” tổng hợp những câu chuyện ngắn bằng tiếng Anh, nhà trường cũng yêu cầu dịch lại, từ đó rèn luyện được kỹ năng tiếng Anh của mình, còn giúp mình hiểu hơn về câu chuyện.Vì viết nên mình cũng hiểu bản thân hơn mình, mình cũng cảm nhận được ý nghĩa muốn truyền tải qua những cuốn sách đó. Em lại cảm thấy nó nhẹ nhõm, em lại không muốn vi phạm nữa. Em thấy hình thức mới này rất hay”, Quang Anh nói.
Giải thích về việc áp dụng hình phạt này, ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết, sau khi nhận thông tin học sinh vi phạm sẽ lao động công ích, ông đã trăn trở và suy nghĩ cần có hình thức phạt mới để phù hợp với thời đại, với định hướng giáo dục của nhà trường.
Và từ đó, hình phạt “đọc sách” ra đời. Theo ông Phú, học sinh sẽ cần có thời gian để làm quen với hình thức phạt mới này, dần dần nếu làm mỗi ngày, mỗi tuần, các em sẽ thấm từng chút một từ việc đọc cho đến kỹ năng cảm nhận văn học.
Năm học tới, nhà trường sẽ đầu tư thêm đầu sách ở thư viện và bố trí thêm tiết đọc sách ở thư viện.
“Mình làm như vậy cũng là dịp để các em xa rời màn hình smartphone, có nhiều thời gian tiếp cận, có những trải nghiệm thực sự với văn hoá đọc. Về hình thức kỷ luật học trò, tôi nghĩ chúng ta phải nghiên cứu, hướng tới giáo dục nhận thức. Tất cả những hình phạt trước đây, tôi nghĩ chúng ta nên thay đổi”, thầy Phú nói.
Hình thành thói quen tích cực
Theo Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hoà An, những hình phạt, chung quy lại vẫn là để cho học sinh nhận thức được hành vi không đúng của mình, từ đó thay đổi theo hướng tích cực. Và mỗi biện pháp đều có ích nếu như trong thời gian thực hiện, các em tự nhận ra được lỗi lầm, có cơ hội để sửa sai, phát triển bản thân mình so với trước.
Tiến sĩ Hoà An cũng cho rằng, việc đọc sách không chỉ dừng lại ở những học sinh vi phạm mới thực hiện mà có thể lồng ghép bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú vào những tiết như hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt dưới cờ mỗi thứ 2 đầu tuần. Các bạn học sinh có thể đọc, viết lại những nội dung các bạn cảm thấy tâm đắc nhất thông qua nhiều hình thức khác nhau.
“Rõ ràng đây cũng là một trong những điều rất nên làm tại trường phổ thông để giúp các bạn học sinh các bạn trẻ có thể thấu hiểu hình thành được những giá trị tích cực, có thể hình thành được những bộ rễ trong tâm hồn của mình. Từ đó, các bạn định hướng được hành vi, hành động mang tính tích cực trong đời sống của chúng ta”, bà An phân tích.
Tuy vậy vẫn có những phụ huynh coi hình phạt này còn quá nhẹ, nhất là trong môi trường học đường cần hình thành tính kỷ luật.
Chị Thuý Quỳnh có 2 con đang tuổi đi học cho biết, từ bé, vốn dĩ các con đã quen với những hình thức xử phạt phổ biến như úp mặt vào tường, lao động công ích, viết bản kiểm điểm…Hình thức xử phạt đọc sách- viết cảm nhận của trường Bùi Thị Xuân là rất nhân văn và thú vị.
Chị Quỳnh cũng lo lắng rằng, hình thức xử phạt có phần nhẹ nhàng có thể dẫn đến việc học sinh sẽ không còn sợ việc vi phạm nội quy như: đi học không đúng giờ, nói chuyện trong lớp…dẫn đến hư hơn. Do vậy mà khi áp dụng, các trường cũng cần phân loại các lỗi vi phạm của học sinh để có hình thức xử phạt phù hợp, không cào bằng.
“Cũng mong các trường có những biện pháp hình thức này song song đó có những biện pháp giúp các em hiểu, khi nhà trường đã áp dụng phương pháp nhân văn như vậy. Từ hình thức nhân văn như thế, các em sẽ nhận thức và thay đổi”, chị Quỳnh bày tỏ.
Việc phạt học sinh bằng hình thức đọc sách và viết cảm nhận là một biện pháp sáng tạo, nhân văn, hướng đến giá trị tốt đẹp, giúp học sinh phát triển, có điều kiện tiếp cận với thông tin hữu ích từ sách./.