Sắc màu trầm buồn
Ở thời điểm hiện tại, chỉ mới một vài NH công bố kết quả kinh doanh quý III, song xu hướng giảm lợi nhuận đã thấy rõ. BacABank là NH mở màn công bố BCTC hợp nhất quý III-2023, với lợi nhuận trước thuế quý III giảm 73% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 77 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng lợi nhuận trước thuế đạt 551 tỷ đồng, giảm 22,9% so với cùng kỳ.
9 tháng qua BacABank huy động rất thuận lợi nhưng cho vay rất ít. Tiền gửi khách hàng đến cuối tháng 9 đạt gần 114.600 tỷ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm, song dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 98.600 tỷ đồng, chỉ tăng 4,8% so với đầu năm. Chênh lệch huy động và cho vay cũng cho thấy đây là một trong những nhà băng rơi vào cảnh “thừa tiền”.
PGBank cũng trong hoàn cảnh tương tự. Tính đến ngày 30-9, dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,9%, đạt 30.485 tỷ đồng, nhưng tiền gửi khách hàng tăng 9,1%, đạt 34.098 tỷ đồng, khiến thu nhập lãi thuần giảm 16% trong quý III. Các khoản thu ngoài lãi cũng sụt giảm mạnh, nên dù giảm trích lập dự phòng nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn giảm mạnh 60% so với cùng kỳ, còn gần 57 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng PGBank đạt 360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 7% so với cùng kỳ.
Không chỉ hoạt động kinh doanh sinh lời yếu, 2 nhà băng này cũng đối mặt với vấn đề nợ xấu tăng. Xét về tỷ lệ, BacABank hiện vẫn nằm ở nhóm có nợ xấu thấp, khi tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng từ mức 0,55% hồi đầu năm lên 0,77% tại thời điểm cuối tháng 9.
Nhưng xét về giá trị tuyệt đối, nợ xấu đã có những bước nhảy vọt. Tổng nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 9 đạt 762,3 tỷ đồng, tăng đến 48,3% so với hồi đầu năm, tương đương tăng 248,4 tỷ đồng. Trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của BacABank đạt gần 145 tỷ đồng, tăng tới 245% so với hồi đầu năm; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 289% lên mức 193 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng nợ xấu 9 tháng của PGBank đã tăng 7% so với đầu năm, đạt 796 tỷ đồng. Mức tăng mạnh nhất là nợ nhóm 3, từ 62 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 176 tỷ đồng vào cuối quý III, tương ứng mức tăng 184%. Đồng thời nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 436 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 55% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay 9 tháng qua tăng từ 2,56% lên 2,61%.
Căng thẳng với nợ xấu
Năm nay, các chuyên gia nhận định ngành NH phải đối mặt với 4 thách thức đó là rủi ro nợ xấu gia tăng, biên lợi nhuận giảm, áp lực tăng vốn, ổn định và an toàn hệ thống. Và cho đến nay những điều này đang mỗi ngày mỗi hiện rõ dần. Ngay cả những NH lâu nay vẫn đứng trong top đầu về tăng trưởng lợi nhuận cũng đã mất nhịp, và áp lực thực sự chính là nợ xấu với đà tăng khá nhanh.
Số liệu của NHNN cho biết, cuối năm 2022 tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ở mức 2%/tổng dư nợ, nhưng đến cuối tháng 2-2023 tỷ lệ nợ xấu nội bảng vọt lên 2,91%, và đến cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng 3,56%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) là 6,16% so với tổng dư nợ, tương đương 768.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản (BĐS) đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước, nếu như tháng 7-2022 là 1,8% thì tháng 7-2023 là 2,58%.
Nợ xấu tăng có nhiều lý do. Sau 2 năm giãn, hoãn nợ để giúp doanh nghiệp (DN) hồi phục sau đại dịch Covid-19, năm nay nhiều trường hợp không thể tiếp tục giãn, hoãn nợ, buộc phải chuyển sang nợ xấu để có hướng xử lý. Năm 2023 chất lượng tín dụng của nhiều NH tiếp tục chịu áp lực do DN chìm sâu vào khó khăn trước các biến động kinh tế thế giới và trong nước.
Trong tháng 4, nhà điều hành đã ban hành chính sách cơ cấu nợ hỗ trợ DN và NH. Song điều này vẫn chưa đủ để ngăn chặn xu hướng nợ xấu tăng tốc tại nhiều nhà băng, bởi lẽ trong tình hình DN khó khăn khó phục hồi đã dẫn đến nhiều trường hợp bị NH “từ chối” cơ cấu nợ.
Đáng chú ý, ngoài nợ xấu thể hiện trên sổ sách, nợ xấu của các nhà băng còn có thể đang tiềm ẩn ở nhiều khoản mục khác trên bảng cân đối kế toán. Đó là những khoản có tính chất tương tự như tín dụng nhưng không được phân loại nhóm nợ vì không có quy định cụ thể, cụ thể là sẽ nằm trong mục các tài sản có khác (trong đó có khoản phải thu, tài sản có khác), chứng khoán đầu tư (trong đó có chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành), ủy thác đầu tư…
Một thí dụ là tính đến ngày 3-10, có khoảng 69 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu DN (TPDN) theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Ước tính, tổng dư nợ TPDN của các DN này là khoảng 176.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,8% dư nợ TPDN toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các DN thuộc nhóm BĐS.
Trong bối cảnh nợ quá hạn đang trên đà tăng, việc xử lý nợ xấu chưa có dấu hiệu khởi sắc. Trên trang web của các nhà băng vẫn luôn dày đặc các thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ, nhiều khoản đã giảm giá rất thấp so giá trị khoản vay.
Trong khi đó thị trường mua bán nợ vẫn còn nhiều hạn chế. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện, và thiếu các chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu…
TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nêu số liệu năm 2022, tỷ lệ thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng NH còn thấp, do quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu cụ thể, rõ ràng và ý thức chấp hành pháp luật của người đi vay còn hạn chế; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kéo dài, cản trở việc thi hành án.
Số lượng án tín dụng NH tồn đọng khối lượng lớn, trong khi khối lượng án phát sinh thêm hàng năm vẫn tiếp tục tăng. Đặt trong một tổng thể như vậy, lợi nhuận giảm là một câu chuyện buồn, nhưng vấn đề nợ xấu mới thật sự là tâm điểm ở thời điểm này.