Trải qua một năm nhiều khó khăn và thách thức, đối mặt với nhiều yêu cầu và tiêu chuẩn của khách hàng thế giới cùng sự thắt chặt chi tiêu để ứng phó với biến động thu nhập, nhưng 2023 vẫn được đánh giá là năm thành công đối với rau quả Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu rau ước đạt 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm trước.
Rất nhiều mặt hàng rau quả của Việt Nam được thị trường quốc tế đón nhận và vô cùng ưa chuộng. Tại khu vực Vùng Vịnh, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam thời gian qua đã và đang tạo được chỗ đứng vững chắc. Nhưng nếu nói về danh tiếng sẽ không gì có thể vượt qua quả chanh không hạt. Chanh không hạt của Việt Nam hiện đang chiếm ưu thế cạnh tranh tuyệt đối tại không ít thị trường nơi đây.
Hiện không khó để tìm mua chanh Việt Nam tại Dubai. Tại khu chợ đầu mối Ras Al Khor, hàng tuần đều nhập chanh không hạt của Việt Nam. Xứ nóng có nhu cầu với chanh lớn, song các doanh nghiệp tại Dubai hầu như ít nhập chanh không hạt từ nơi nào khác ngoài Việt Nam.
Chanh từ Việt Nam được ưa chuộng bởi hương vị nổi bật so với chanh từ các nước khác. Nhiều công ty hiện còn nhập về để tái xuất sang các nước Vùng Vịnh khác như Saudi Arabia, Oman, Bahrain hay Qatar. Chanh Việt Nam giờ đây hầu như không có đối thủ cạnh tranh. Trước đây còn có chanh Brazil nhưng nay hầu như tất cả đều chỉ mua chanh từ Việt Nam.
Chanh không hạt từ Việt Nam là loại chanh xanh. Chanh vàng thị trường Vùng Vịnh vẫn có thể nhập từ Ấn Độ hay Nam Phi. Nhưng với người Trung Đông, chanh xanh và chanh vàng là 2 loại quả không thể thay thế nhau. Chanh xanh dành cho những món ăn cần độ thơm và đặc biệt để pha nước uống.
Một người dân tại đây cho biết: “Chanh Việt Nam rất được ưa chuộng do một là không hạt, hai là độ thơm của chanh rất thanh khiết. Đặc biệt, vào mùa nóng, mùa cao điểm của chanh để vắt nước uống giải khát thì lượng tiêu thụ rất nhiều.”
Ngoài xuất sang các nước Trung Đông, chanh không hạt còn được xuất khẩu sang thị trường lớn tại châu Âu, châu Á, đặc biệt vô cùng nổi tiếng tại New Zealand.
Tại New Zealand, ngành du lịch và nhà hàng – khách sạn phát triển mạnh nên nhu cầu về ẩm thực lẫn chất lượng sản phẩm tiêu dùng cũng được đẩy lên khá cao. Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Tredene Dobson cho biết chanh Việt Nam được ví như “vàng xanh” ở New Zealand vì giá bán tương đối đắt. Do không thể trồng được, 1 kg chanh tại đây thường có giá hơn 50 NZD, tương đương 31,1 USD (khoảng 758.000 đồng).
Chanh không hạt có tên gọi tiếng anh là Persian Lime. Đặc điểm của cây chanh không hạt là cây không gai, thích hợp và sinh trưởng tốt với khí hậu Việt Nam. Chanh không hạt cho trái quanh năm, trồng trong vòng 20 tháng là cho quả. Từ năm thứ 3-4 sẽ cho năng suất cao hơn. Tại Việt Nam, chanh là loại gia vị rất phổ biến, không thể thiếu tại các nhà hàng. Giá bán chanh không hạt ở Việt Nam khoảng 15-30 nghìn đồng/kg tùy từng thời điểm.
Long An là thủ phủ của chanh, ước tính, sản lượng trồng tại tỉnh này chiếm đến 1/6 tổng sản lượng của cả nước. Huyện Bến Lức hiện nay trở thành vùng chanh nguyên liệu lớn nhất. Toàn tỉnh Long An hiện có trên 11.720 ha chanh, trong đó diện tích cho trái trên 10.000ha, cho sản lượng trên 97.700 tấn/năm. Gần 90% sản lượng chanh ở Bến Lức dành xuất sang các thị trường Trung Đông, EU, Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia lân cận.