Hai ngày liên tiếp kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm lãi suất điều hành, lãi suất liên ngân hàng liên tiếp giảm mạnh.
Theo số liệu của NHNN, trong phiên 15/3, lãi suất cho vay bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90-95% giá trị giao dịch) giảm từ mức 5,72%/năm về còn 5,06%. Lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng giảm còn lần lượt là 5,51%/năm, 4,74%/năm và 6,83%/năm.
Đến ngày 16/3, lãi suất liên ngân hà ng tiếp tục giảm. Lãi suất cho vay bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm 0,89%, xuống 4,17%/năm; lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần giảm xuống còn 4,52%/năm; 2 tuần giảm còn 5,28%/năm; 1 tháng giảm còn 6,33%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 2 tháng còn 6,79%/năm; 3 tháng còn 7,18%/năm…Mức lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 năm cũng giảm còn 8,3%/năm.
Như vậy, chỉ trong 2 ngày, lãi suất liên ngân hàng đã giảm hơn 30%. Còn so với mức lãi suất cao nhất trong năm qua, lãi suất liên ngân hàng hiện nay chỉ còn một nửa.
Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu sau động thái giảm 0,5-1%/năm lãi suất điều hành của NHNN. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Ngay sau khi giảm lãi suất điều hành, NHNN định hướng cung ứng thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống.
Phiên giao dịch 15/3, NHNN đã quay trở lại chào thầu trên thị trường mở (OMO) với kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 5,5%/năm. Trước đó, nhà điều hành chỉ sử dụng các hợp đồng 7 ngày và 14 ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng trong 2 tháng đầu năm, sau khi tạm dừng các hợp đồng kỳ hạn 91 ngày vào trung tuần tháng 12/2022.
Hoạt động này tiếp tục được NHNN duy trì trong phiên 16/3. Dù chỉ có 1 thành viên tham gia vay vốn mỗi phiên với tổng khối lượng trúng thầu 986,48 tỷ đồng nhưng động thái này cho thấy định hướng cung ứng thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống ngân hàng của cơ quan quản lý tiền tệ.
Cùng với việc bơm thanh khoản dài hạn hơn, NHNN cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản. Trước đó, có tới 22.700 tỷ đồng tín phiếu phát hành đó đáo hạn.
Tính chung trong 2 phiên 15/3 và 16/3, NHNN đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng gần 16.100 tỷ đồng.
Các chuyên gia nhận định, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần. Lãi suất giảm sẽ giúp các tổ chức tín dụng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, cho vay liên ngân hàng; từ đó giảm lãi suất cho vay.
Trong chỉ đạo mới đây liên quan đến quyết định điều chỉnh giảm một số mức lãi suất điều hành từ 15/3, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát ổn định lãi suất huy động trên thị trường; nghiêm cấm các ngân hàng lách trần lãi suất huy động, đồng thời sẽ theo dõi các trường hợp tăng lãi suất và có biện pháp xử lý.
Trong bối cảnh thanh khoản của các ngân hàng dư thừa còn tín dụng tăng rất chậm, lãi suất huy động sẽ chịu sức ép giảm rất lớn. Lãi suất huy động giảm sẽ giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí, có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.