PHÓNG VIÊN: – Thưa ông, trong vòng 10 năm qua, mức TTTD âm chỉ xuất hiện trong các năm 2014, 2018 và 2 tháng đầu 2023. Ông nhận định như thế nào về diễn biến này?
PGS.TS NGUYỄN HỮU HUÂN: – Theo thông lệ, TTTD 2 tháng đầu năm sẽ bị ảnh hưởng bởi Tết Nguyên đán. Đến khoảng tháng 3 tín dụng mới bắt đầu tăng mạnh lên. Đó là do tính mùa vụ. Tuy nhiên đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng âm và âm nhiều nhất trong lịch sử 10 năm trở lại đây, là do TTTD cuối năm ngoái quá cao. Tháng 12-2023, tín dụng tăng bằng 50% mức tăng của 11 tháng trước đó cộng lại.
Tăng trưởng cao bất ngờ đó đến từ một số NH chạy chỉ tiêu TTTD cuối năm 2023, để đạt hạn mức (room) được NHNN cấp, tránh bị giảm room trong năm 2024. Theo đó, các nhà băng “năn nỉ” khách hàng vay rồi sang năm trả lại với lãi suất 0%. Vậy nên con số ngoạn mục cuối năm ngoái có phần ảo.
Trong khi đó, người đi vay cuối năm ngoái bắt đầu trả nợ vì không có nhu cầu tín dụng thực. Đây là nguyên nhân dẫn đến tín dụng âm nhiều. Còn thực tế, nếu trừ đi yếu tố ảo cuối năm ngoái, 2 tháng đầu năm nay chỉ âm ít hoặc có thể tăng trưởng dương.
Nói cách khác, năm ngoái các NH đã vay mượn phần TTTD của năm nay, nên đầu năm nay phải trả lại. Vì qua tháng 2, tín dụng có tăng trưởng dương trở lại, nhưng tổng 2 tháng đều âm. Hiện thị trường cũng đã có tín hiệu tích cực từ xuất nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu tăng mạnh.
Bởi lẽ Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Do vậy việc nhập khẩu tăng cho thấy doanh nghiệp (DN) đã có đơn hàng mới nhập khẩu nguyên vật liệu về. Đó cũng là một tín hiệu tương đối khả quan.
Tuy nhiên, dự báo kinh tế năm nay sẽ tăng trưởng tuyến tính, tức tăng trưởng tốt hơn năm ngoái bởi những đột phá nhất định. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 5,03%, năm 2024 có thể khoảng 5,5%, còn để đạt được 6,5% như mục tiêu phải có những thuận lợi nhiều. Theo tôi, mức tăng trưởng 6,5-7% phải đến năm 2025.
– Tiền đang ứ đọng trong NH không có đầu ra. Trong khi đó Chính phủ yêu cầu ngành NH phải thúc đẩy TTTD, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ. Vậy theo ông có giải pháp nào phù hợp để đẩy vốn tín dụng lưu thông ra nền kinh tế, thay vì nằm yên trong các NH trong thời điểm này?
TTTD không thể quá gấp gáp, những giải pháp cũng cần có thời gian và theo tín hiệu thị trường, không thể chủ quan duy ý chí. Với nền kinh tế cũng vậy, đã có nỗ lực nhưng chưa hiệu quả hoặc là chưa hồi phục, thì cần chờ thời gian. Còn nếu dùng quá nhiều giải pháp, hoặc bất chấp tín hiệu thị trường, theo kinh tế học là một sự đánh đổi.
– Thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều giải pháp, nhưng chỉ tác động giảm mạnh với lãi suất ngắn hạn. Trong khi DN vay vốn có 2 đặc điểm là cần vốn dài hạn và lãi suất thấp.
Ở Mỹ, giai đoạn khủng hoảng 2007-2009, lãi suất ngắn hạn về gần 0%, nhưng không kích thích được tăng trưởng kinh tế. Lúc đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới bắt đầu tung ra các gói nới lỏng định lượng (QE1, QE2). Những gói này tác động lên lãi suất thấp nhưng dài hạn trong nền kinh tế, khiến nhu cầu về tín dụng cao hơn.
Thí dụ, vay mua nhà lãi suất cố định trong năm đầu tiên và những năm sau thả nổi, nên có nhiều rủi ro không kích thích được nhu cầu vay. Nhưng nếu áp dụng lãi suất cố định với mức thấp trong 5 năm, 10 năm, người dân sẽ tự tin vay hơn. Đó là giải pháp về phía cung.
Còn một nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm nữa là do sức cầu. Bởi độ hồi phục của nền kinh tế trong nước và quốc tế hiện vẫn còn yếu, do lãi suất của Mỹ vẫn còn cao. Hiện tại, kinh tế Mỹ vẫn đang tốt, Fed cũng không có lý do gì để giảm lãi suất, vì giảm lãi suất sẽ diễn ra khi nguy cơ suy thoái về kinh tế hoặc tăng trưởng thấp.
Và khi Fed chưa giảm lãi suất, chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới cũng vẫn sẽ phải thắt chặt, giữ nguyên lãi suất cao để vừa kiểm soát lạm phát, vừa hạn chế dòng tiền đổ về Mỹ.
Và đương nhiên điều đó sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, dù chiến lược của Việt Nam đi ngược dòng thế giới. Vấn đề của Việt Nam hiện không phải lo lạm phát mà là tăng trưởng, do vậy việc duy trì lãi suất thấp trong một khoảng thời gian dài trong bối cảnh thế giới lãi suất cao, chưa hẳn là tốt cho nền kinh tế Việt Nam.
Đơn cử, chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ đã làm cho dòng tiền đổ về Mỹ. Minh chứng là thời gian qua khối ngoại liên tục rút ròng vốn ở Việt Nam, cũng là một trong những lý do gây áp lực lên tỷ giá và chúng ta cũng phải cân đối việc đó. Do vậy, cốt lõi phía cầu là phải trả lời được 2 câu hỏi: làm thế nào để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn, và làm thế nào để DN có nhu cầu vay vốn? Đặt trong tổng thể như đã phân tích, muốn giải quyết được vấn đề TTTD hiện nay phải giải từ phía cầu và phía cung cùng một lúc.
– Có ý kiến đề xuất các NH cần linh hoạt hơn trong áp dụng các điều kiện về mặt tín dụng để tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, cụ thể là xem xét cho vay tín chấp, ông nghĩ sao về điều này?
– Cho vay tín chấp rất khó, vì hình thức đó là cho vay dưới chuẩn. Mặc dù cho vay tín chấp có thể thúc đẩy được TTTD, nhưng hệ lụy sau đó sẽ là nợ xấu gia tăng. Chính phủ cũng đã đề cập đến hướng đó trong các cuộc họp từ năm ngoái, nhưng không có NH nào dám làm vì trách nhiệm vẫn thuộc về họ.
Chính phủ hay NHNN không đảm bảo khi NH cho vay tín chấp nếu xảy ra nợ xấu sẽ xử lý hộ. Do vậy, các NH vẫn cho vay tín chấp nhưng với một tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu dư nợ tín dụng.
NH vẫn có thể nâng tỷ lệ cho vay tín chấp lên, nhưng không dành cho tất cả. DN vẫn phải hội đủ những điều kiện nhất định NH mới dám cho vay, để đảm bảo tăng trưởng bền vững cho hệ thống. Nếu đổ xô đẩy mạnh cho vay tín chấp, sẽ giống như khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ trong năm 2007-2009.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!