Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Phạm Hồng Long (Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng cách làm du lịch của Thái Lan quá tốt, vì vậy Việt Nam cần học hỏi nhiều điều từ mô hình phát triển du lịch của quốc gia láng giềng này.
Đặt du khách làm trung tâm
Hiện Thái Lan miễn visa cho 64 quốc gia và vùng lãnh thổ – con số này không nhiều so với Indonesia (169), Malaysia (162), Singapore (162), Philippines (157). Dù vậy, lượng khách quốc tế đến Thái Lan và chi tiêu vẫn luôn ở top đầu thế giới. Điều đó chứng tỏ năng lực “móc hầu bao” khách du lịch của người Thái Lan là rất đáng nể. “Chẳng cần học đâu xa, cứ nhìn Thái Lan mà học”, PGS.TS Phạm Hồng Long chia sẻ.
So sánh với Việt Nam, PGS.TS Phạm Hồng Long cho biết việc Việt Nam chỉ miễn visa cho 25 quốc gia và vùng lãnh thổ là còn hạn chế, ít nhiều ảnh hưởng tới năng lực cạnh điểm đến. Hy vọng trong thời gian tới đây, Việt Nam có thể mở rộng chính sách thị thực điện tử và miễn thị thực đơn phương thêm cho một số nước ở châu Âu (bên cạnh các nước đã được miễn), Bắc Mỹ, Australia, New Zealand – những nhóm khách có sức chi trả cao.
PGS.TS Phạm Hồng Long miêu tả cách làm du lịch của người Thái là “nghệ thuật cành tre” và “đo ni đóng giày”. Tức là Thái Lan có thể làm hài lòng hầu hết các đối tượng du khách, từ khách cao cấp tới dân du lịch bụi, bình dân, ai cũng dễ dàng trải nghiệm Thái Lan theo cách họ mong muốn.
Để có thể “chiều” khách như vậy, ngành du lịch Thái Lan cần sự giúp sức từ các văn phòng đại diện ở 29 quốc gia trên thế giới, gồm 18 văn phòng ở châu Á (trong đó có Việt Nam), 8 văn phòng ở châu Âu và 3 văn phòng tại Bắc Mỹ. Các văn phòng giúp Thái Lan thâm nhập và hiểu rõ về thị hiếu của du khách ở thị trường mục tiêu, qua đó đưa ra các chiến dịch quảng bá “đúng và trúng” cho từng thị trường.
Từ việc làm du khách hài lòng, ngành du lịch Thái Lan khéo léo khiến cho du khách sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Vào năm 2018, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã ra báo cáo về các quốc gia kiếm được nhiều tiền nhất từ du khách quốc tế năm 2017. Trong danh sách này thì Mỹ, Tây Ban Nha và Pháp là 3 cái tên dẫn đầu. Đứng thứ 4 là Thái Lan với tổng thu 57,5 tỷ USD từ khách du lịch quốc tế. Cần nhớ, trong năm 2017, Thái Lan chỉ xếp thứ 10 toàn cầu về lượng khách quốc tế.
Những con số này đã thể hiện sự tài tình trong nghệ thuật “móc hầu bao” du khách của Thái Lan. Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, đối với những quốc gia như Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, du khách đến và phải tiêu nhiều tiền một phần vì sự chênh lệch lớn về tỉ giá hoặc mức sống trung bình tại điểm đến. Tuy nhiên cả hai yếu tố đó đều không đúng với đồng baht và mức sống tại Thái Lan, chứng tỏ người Thái rất giỏi kiếm tiền từ du khách thông qua những sản phẩm, dịch vụ họ cung cấp.
Các sản phẩm kinh tế đêm đã mang về doanh thu lớn cho Thái Lan. PGS.TS Phạm Hồng Long cho biết các hoạt động về đêm ở Thái Lan rất sôi động, thúc đẩy du khách chi tiêu nhiều hơn. Riêng tại Bangkok đã có rất nhiều khu phố đêm để du khách tiêu tiền như Khaosan, Nana, Soi Cowboy… Số tiền thu được từ các hoạt động tham quan, ăn uống ban ngày khó có thể so với vui chơi, giải trí ban đêm.
“Đó là ‘máy in tiền’ của Thái Lan. Họ không chỉ cung cấp dịch vụ ăn chơi mà còn cả mua sắm. Bạn cứ tưởng tượng một bát tom yum ban ngày bán chỉ có giá khoảng 100 baht (khoảng 70.000 đồng). Một chai rượu khách uống trong bar buổi đêm có giá tới hàng nghìn baht. Kinh tế đêm mang về lợi nhuận nhiều hơn hẳn”, PGS.TS Phạm Hồng Long chia sẻ.
Cách quảng bá hiệu quả
Bên cạnh đó, cách thức quảng bá của Thái Lan cũng giúp nâng tầm hình ảnh du lịch nước này. Đến nay, slogan chính thức của du lịch Thái Lan vẫn là “Amazing Thailand” (tạm dịch: Thái Lan tuyệt vời). Slogan này đã xuất hiện từ năm 1995 trong chiến dịch giới thiệu hình ảnh Thái Lan là điểm du lịch chất lượng, hấp dẫn và an ninh. Sự phong phú của các sản phẩm du lịch trong chiến dịch dựa trên ATET (Amazing Thailand Eight Themes – 8 chủ đề về Thái Lan tuyệt vời). Các chủ đề này gồm thiên đường mua sắm, hương vị Thái Lan, nghệ thuật đời sống, thể thao và giải trí, di sản thế giới, di sản văn hóa, di sản nông nghiệp…
“Tùy từng thời điểm, Thái Lan có những slogan khác nhau để phục vụ cho các chiến dịch, tuy nhiên ‘Amazing Thailand’ vẫn luôn là chủ đạo. Trong khi đó, nhiều người làm du lịch nhận xét slogan của du lịch Việt Nam từ năm 2000 tới đầu những năm 2010 thay đổi hơi nhanh, không định vị được hình ảnh với khách quốc tế. Chỉ từ năm 2011 tới nay là ổn định”, PGS.TS Phạm Hồng Long nói.
Trên khía cạnh ẩm thực, cả Việt Nam lẫn Thái Lan đều có nhiều món ngon nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Hồng Long nhận định ẩm thực Thái Lan vẫn có độ nhận diện cao hơn. Điều này cũng liên quan một phần đến slogan quảng bá du lịch của người Thái. Trước đây, Philip Kotler – “cha đẻ” của ngành marketing hiện đại – đã tới Việt Nam và khuyên chúng ta phải trở thành “bếp ăn của thế giới”. Tuy nhiên ý tưởng này đã không được hiện thực hóa tại Việt Nam. Trong khi đó, Thái Lan đã nhanh hơn và chính thức công bố slogan “Kitchen of The World” (tạm dịch: Bếp ăn của thế giới).
“Ẩm thực của họ có lẽ cũng không vượt trội hơn Việt Nam, nhưng người Thái Lan biết cách quảng bá để đẩy nó lên, ngang tầm với những nền ẩm thực đã được nhận diện tốt và đông đảo du khách trên thế giới biết tới như Pháp, Italy…”, PGS.TS Phạm Hồng Long chia sẻ, đồng thời cho biết còn nhiều thứ để Việt Nam học hỏi từ Thái Lan. Tuy nhiên, không phải mô hình du lịch nào ở “xứ Chùa Vàng” cũng có thể áp dụng tại Việt Nam, đơn cử như các sản phẩm du lịch liên quan tới tình dục hoặc mới nhất là cần sa. Điều quan trọng là Việt Nam cần chắt lọc những thành tựu và thất bại trong cách làm du lịch của người Thái Lan.
“Giữa Thái Lan và Việt Nam vẫn hay tồn tại những sự so sánh. Trong những năm gần đây, bóng đá Việt Nam đã có thể tự tin ‘chung mâm’ với Thái Lan. Dù vậy, đến bao giờ du lịch Việt Nam mới bắt kịp Thái Lan, đó vẫn là một câu hỏi lớn” – PGS.TS Phạm Hồng Long nói./.