Tại Hội nghị, ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC đã mang đến góc nhìn mới về hiệu quả kinh tế mà dịch vụ Trung tâm dữ liệu và Điện toán đám mây mang lại.
“Cách đây 10 năm, tôi đã đọc một cuốn tiểu thuyết giả tưởng về AI, trong đó đề cập rằng AI sẽ trải qua bốn thế hệ. Thế hệ thứ hai chính là GenAI ngày nay, tức là AI tạo sinh. Thế hệ thứ ba sẽ là sự kết hợp giữa người và máy, và thế hệ thứ tư sẽ là AI thống trị trái đất. Sau 10 năm, đến năm 2024, 50% những dự báo trong cuốn sách đó đã trở thành hiện thực. GenAI hiện đang là đỉnh cao của sự bùng nổ và là tâm điểm của sự kỳ vọng” – Ông Ngọc chia sẻ tại Hội nghị.
Trong sự phát triển này của công nghệ, dữ liệu chính là xương sống và trung tâm dữ liệu (TTDL) đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và lưu trữ khối lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra hàng ngày. TTDL và điện toán đám mây (ĐTĐM) thúc đẩy sự phát triển của cuộc sống và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế.
Ông Ngọc nhấn mạnh: “TTDL được coi là khoản đầu tư nhỏ nhưng mang lại nhiều giá trị lớn, với những con số ấn tượng góp phần thúc đẩy nền kinh tế”.
Các nghiên cứu đã cho thấy TTDL đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế toàn cầu, cho GDP của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, các TTDL cũng gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng liên quan đến môi trường. Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ TTDL lớn trên thế giới đang hướng tới việc sử dụng năng lượng tái tạo, Google là một ví dụ điển hình.
Các dự án của Google đã thúc đẩy nhiều dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, chẳng hạn như việc ký hợp đồng trị giá 2,1 tỷ USD để sử dụng năng lượng gió cho TTDL của mình. Ngành công nghiệp TTDL còn tạo ra và thúc đẩy chuỗi cung ứng, bao gồm xây dựng, bất động sản, thiết bị, hệ thống vận tải, và cung ứng dữ liệu như lưu trữ, thu thập, bảo quản, quản lý, và phân phối dữ liệu.
Theo ông Ngọc, điều này được minh chứng khi các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Microsoft, Meta, và Amazon đang sở hữu số lượng TTDL và cáp quang biển lớn nhất thế giới. Giá trị vốn hóa của các công ty này tương đương với GDP của những quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Canada, và Italia.
Chính những tập đoàn công nghệ lớn này đang sở hữu 80% lượng TTDL và cáp quang biển toàn cầu, tạo ra tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Tại Singapore, tiềm năng và tác động mạnh mẽ của TTDL đã khiến Chính phủ Singapore thông qua việc sửa đổi Luật An ninh mạng, đưa TTDL và cơ sở hạ tầng đám mây vào danh mục hạ tầng trọng yếu để giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động của nhà cung cấp dịch vụ.
Theo nghiên cứu năm 2022 của PwC về các tác động của Trung tâm dữ liệu tới kinh tế, môi trường, xã hội Mỹ giai đoạn 2017-2021, ngành công nghiệp Trung tâm dữ liệu của Mỹ tiếp tục đóng góp lớn hơn nữa cho nền kinh tế, giải quyết nhiều vấn đề lớn của xã hội Mỹ, bao gồm tạo ra lượng việc làm khổng lồ hơn, từ 2,9 triệu (2017) lên 3,5 triệu việc làm (2021); đóng góp hơn 40% thu nhập lao động, 36% các giá trị khác (GDP) (gấp đôi tốc độ tăng GDP chung toàn nước Mỹ giai đoạn này)….
Trong khi đó, đối với thị trường Điện toán đám mây, phân tích tác động kinh tế của Cloud Adoption (chuyển đổi đám mây) tại 11 quốc gia có thu nhập cao và trung bình tại Châu Á – Thái Bình Dương cho thấy mức độ chuyển đổi đám mây có mối quan hệ tương quan tới sự phát triển kinh tế của 1 quốc gia.
Trung bình tại Châu Á – Thái Bình Dương, cứ 1% tăng lên trong Cloud Adoption sẽ đóng góp tăng trưởng 0,07% vào GDP.
Con số này tại Việt Nam tương ứng với cứ trung bình 6 triệu USD chi phí tiêu dùng đám mây tăng thêm sẽ mang lại 134 triệu USD tăng thêm trong GDP nước ta.
Như vậy, không chỉ cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng cho doanh nghiệp và tổ chức, từ lưu trữ dữ liệu, tính toán, đến các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến, qua đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số, ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây còn mang lại rất nhiều đóng góp thiết thực cho kinh tế, xã hội mỗi quốc gia.
Cũng tại hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ về các xu hướng điển hình trong lĩnh vực Trung tâm dữ liệu và Điện toán đám mây thời gian gần đây như AI – nhân tố được xem đang thay đổi cuộc chơi mọi lĩnh vực; Điện toán biên; Hybrid, Multi Cloud; xu thế Trung tâm dữ liệu xanh và bền vững.
Tại Phiên “Trung tâm dữ liệu”, các chuyên gia đầu ngành trung tâm dữ liệu đã mang tới các giải pháp mới, cải tiến hoạt động quản lý, vận hành bền vững cho trung tâm dữ liệu, đón đầu xu thế phát triển của AI, một trong những chủ đề nóng của hội nghị.
Trong khi đó, tại phiên “Điện toán đám mây”, các diễn giả đã cùng trao đổi và thảo luận về Cloud native, Hybrid cloud, những giải pháp và công cụ mới tối ưu nhất trên đám mây để quản lý và bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu,…
Một trong những phiên chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm tại hội nghị là “Trí tuệ nhân tạo (AI)”, khách mời đã có cơ hội gặp gỡ những chuyên gia hàng đầu về AI chia sẻ các giải pháp, ứng dụng AI thực tiễn trong các ngành, các lĩnh vực đến các ứng dụng thực tiễn, phương án triển khai tối ưu tại Việt Nam; cùng giải pháp cơ sở hạ tầng AI hiệu suất cao và tiết kiệm chi phí.
Ông Ngọc nhấn mạnh: Elon Musk đã tiến hành cấy chip vào não người, đó là một bước tiến lớn trong việc hình thành con người lai máy. Trong tương lai không xa, thế giới có thể sẽ đối mặt với những thách thức nhất định từ sự thống trị của AI.
Với nhu cầu nội địa ngày càng tăng cùng với các hành động thúc đẩy từ Chính phủ, thị trường đám mây của Việt Nam dự báo sẽ đạt quy mô 1,2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 19% mỗi năm. Cùng với đó, sự phát triển của mạng lưới cáp quang biển là điều kiện tiên quyết và rất quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực TTDL và đám mây.
Trong điều kiện lý tưởng với mức độ thâm nhập Internet và tỷ lệ sử dụng Internet của người dân cao, mức độ đóng góp của ĐTĐM và TTDL cho nền kinh tế sẽ còn cao hơn nữa. Việt Nam có nhiều tiềm năng để đạt được những bước tiến như Hàn Quốc và Singapore.
Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, hội nghị DCCI Summit đã được Viettel IDC cùng hơn 20 đối tác tổ chức thành công tại Hà Nội, thu hút gần 2000 khách mời đến từ các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước tham dự. Đây là một trong những sự kiện có quy mô lớn nhất trong ngành hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam, trở thành điểm hẹn thường niên dành cho các nhà quản lý, tổ chức, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và cùng nhau xây dựng một cộng đồng phát triển bền vững.
Lan Hương