Theo Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2023: “Thúc đẩy Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh” mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đang được cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu và tiếp cận các xu hướng, giải pháp công nghệ mới nhằm ứng dụng vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khoảng 90% các công ty tham gia khảo sát đến từ các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trung bình đều ở mức Nâng cao (với điểm số trên 3.0).
Ông Phí Anh Tuấn – Trưởng ban chuyển đổi số mảng doanh nghiệp, Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số DXCenter cho biết: “Những “băn khoăn” thường xuyên của các doanh nghiệp SME (vừa và nhỏ) mong muốn chuyển đổi số gọi nôm na là “dò dẫm chuyển đổi số” trong việc: Lựa chọn đúng nền tảng chuyển đổi số phù hợp khi có quá nhiều nhà tư vấn, nếu lựa chọn nhà tư vấn không phù hợp dẫn đến tổn thất cả thời gian và tiền bạc; Có quá nhiều công nghệ trên thị trường, làm sao nhận diện được công nghệ nào phù hợp trong rất nhiều thông điệp “thời thượng” hiện nay: cloud, Big data, AI, IoT; Có quá nhiều giải pháp từ giải pháp Việt Nam đến giải pháp quôc tế và doanh nghiệp không đủ thông tin để lựa chọn đúng giải pháp cũng như chưa tiên lượng được khả năng mở rộng trong tương lai”.
Theo Bà Đào Thị Hồng Lê – Giám đốc Tokyo Tech Lab Việt Nam: “Chuyển đổi số hiện nay không còn là xu hướng mà đã trở thành nhu cầu cấp thiết của mọi doanh nghiệp. Do đó các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số cần phải cung cấp được nền tảng đáp ứng không chỉ chuyên môn nghiệp vụ đa dạng phức tạp, tính tiện dụng và khả năng tùy biến cao, mà còn phải đảm bảo hiệu năng cũng như tính bảo mật để phù hợp với xu thế của thế giới internet toàn cầu”.
Tuy nhiên, các SME đang đối diện với nhiều thách thức khi triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Khó khăn chính bao gồm chi phí đầu tư cao cho công nghệ mới, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, cũng như nguy cơ rò rỉ dữ liệu và thiếu hụt nhân lực kỹ thuật. Những thách thức này đang khiến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp SME
tại Việt Nam diễn ra chậm hơn so với tiềm năng, và cần có những hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính phủ và các cơ quan liên quan để thúc đẩy sự thay đổi này.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Lê Trang Ly – Giám đốc Trung tâm phát triển Kinh doanh của IDTEK chia sẻ: “Việc thay đổi thói quen sử dụng mà không làm mất đi cảm giác quen thuộc là điều quan trọng trong mỗi phần mềm. Đặc biệt, cá nhân hóa nhưng vẫn đảm bảo quy trình làm việc của công ty là yếu tố không thể thiếu. Một mạng xã hội nội bộ, một không gian làm việc số tuy đơn giản nhưng lại cực kỳ tiện lợi cho việc trao đổi thông tin, giao việc đúng người, làm đúng việc. Tất cả thông tin đều được truyền tải một cách nhất quán, giảm thiểu việc phải sử dụng quá nhiều kênh chat nhóm hay chat theo dự án. Điều này không chỉ giúp việc lưu trữ dễ dàng hơn mà còn hỗ trợ tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng khi cần”.
Ông Hoàng Văn Tam – Giám đốc công ty DigiTech Solutions nhận định: “Một số doanh nghiệp SME chưa có chiến lược cụ thể cho quá trình chuyển đổi số, dẫn đến việc triển khai các công nghệ không đồng bộ và kém hiệu quả. Việc không xác định được lộ trình chuyển đổi số phù hợp có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ một cách tối ưu. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Công nghệ Trí tuệ nhân tạo các doanh nghiệp SME lại đứng trước cơ hội và thách thức mới. Nếu doanh nghiệp chưa sẵn sàng nguồn lực, thay vì làm Chuyển đổi số tổng thể, thì có thể chuyển Chiến lược sang ứng dụng AI vào từng Quy trình kinh doanh của mình từ đơn giản như ChatbotAI để CSKH, Chấm công,…đến các quy trình phức tạp như phân tích dữ liệu hoạt động để đánh giá hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp”.
Tính đến năm 2023, khoảng 47% doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau và 98% doanh nghiệp kỳ vọng rằng chuyển đổi số sẽ mang lại những thay đổi đáng kể trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong việc giảm chi phí và cải thiện hiệu quả sản xuất. Điều này cho thấy doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đã và đang nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của CĐS cũng như chủ động tích hợp các mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển của mình, cũng như tăng cường nguồn lực cần thiết, đặc biệt nhân sự lãnh đạo hoặc đầu tư nhiều hơn vào những dự án chuyển đổi số. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề đều đã sẵn sàng cho bước tiến chuyển đổi số mang tính đột phá và toàn diện này.
Lan Hương