Kéo hội – Hội kéo chữ là một loại hình nghệ thuật rất phong phú và độc đáo của nền văn hóa Việt Nam nói chung, của quê hương An Vệ xã trước đây (nay là xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình nói riêng).
Tục truyền, hội kéo chữ có lịch sử hàng ngàn năm trước đây, được biến tạo từ hình thức chiêu binh mãi mã, hội quân khởi nghĩa đi đánh dẹp của các vương triều phong kiến xa xưa, sang thành hội kéo chữ mà gọi tắt là kéo hội.
Theo tư liệu khảo sát văn bia và điều tra dân tộc học, vào thời Mạc diện thành tự niên (1582) thì trên mảnh đất An Vệ xưa (nay là xã Quỳnh Hội) đã có một truyền thống quân sự. Ma Văn Kỳ thời đó được vua ban sắc phong thành hoàng thổ (của làng Phụng Công bây giờ). Người đã có công lớn dàn dựng hình thái hội kéo chữ dưới hình thức văn hóa văn nghệ dân gian. Đồng thời cũng mang trong nó tính chất hội làng của cư dân Đại Cồ Việt dưới thời Đinh Bộ Lĩnh cách đây hơn 1000 năm.
Hội kéo chữ rất giàu tính tổ chức và tính nghệ thuật. Vì số người tham gia trên nền hội khá đông mà sự chỉ huy, điều khiển lại hoàn toàn bằng hiệu lệnh (chiêng, trống). Do đó từ tổng cờ, cờ sai đến quân hội đều phải có tính tự giác cao, tinh thần chấp lệnh nghiêm bản hội mới hoàn chỉnh được.
Mặt khác, ngoài 16 tổng cờ và 8 cờ sai còn tùy thuộc vào sự lớn nhỏ của sân hội mà có thể tiếp thu (bố trí) 200-300 người hoặc hàng ngàn người đủ các tầng lớp trai, gái, trẻ, già đều có thể tham gia quân hội. Đồng thời xuất phát từ tính dân tộc và tính đại chúng của hội mà trang trí được nhiều màu tạo nên nền hội rực rỡ như một vườn hoa trăm sắc.
Với phương châm và đường lối quân sự của tổ tiên ta là “biến vi quân, bình vi dân” hoặc “bình thời giảng võ, loạn thế đọc thử” đều được thể hiện trong lễ hội kéo chữ.
Một khi đất nước thanh bình thì kéo hội mới vui, khi đất nước xảy ra chiến tranh thì lập tức hội quân luyện tập đi đánh giặc. Do đó sự sắp xếp và bố trí trong bản hội đều có tả quân và hữu quân. Hai đội tả, hữu đều có tiền quân, trung quân và hậu quân (các ông tổng cờ đại diện cho các vị tướng trong quân) cờ nào đội ấy uy nghi chỉnh tề. Đồng thời có một người tổng loa truyền lệnh chấp lệnh của loa truyền là bộ nhạc chiêng trống được thể hiện bằng hiệu lệnh.
Ông Đặng Công Hoán, Tổng Đạo diễn bản hội kéo chữ năm nay chia sẻ: “Mỗi khi dân làng mở lễ hội truyền thống thì từ già, trẻ, trai, gái đều hồ hởi tham gia bằng tất cả nhiệt huyết, ủng hộ cả về vật chất và tinh thần. Từ chính quyền địa phương đến người dân đều phấn khởi, đoàn kết xây dựng và tuyên truyền bản hội với mong muốn nhiều người dân nơi khác biết đến giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và quê hương Phụng Công, Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ, Thái Bình nói riêng”./.