Gần đây, môi trường ở Mũi Né bị đe dọa bởi một số người vô tư vứt rác ra biển
Mũi Né – Bình Thuận gắn liền với hình ảnh bãi biển trải dài thơ mộng, nhộn nhịp du khách. Thế nhưng, gần đây, môi trường ở khu vực này bị đe dọa bởi một số người vô tư vứt rác ra biển. Hành vi này góp phần làm nghiêm trọng thêm tình trạng bờ biển bị ô nhiễm bởi rác thải đại dương hiện nay.
Gần như “bất lực”
Giữa tháng 10-2024, dư luận xôn xao, phản ứng với hình ảnh trên mạng xã hội về việc nhân viên quán cà phê Jeju tại điểm đến du lịch Mũi Né, TP Phan Thiết ném các ly nhựa xuống bãi biển trong lúc dọn dẹp.
Ít hôm sau, du khách tiếp tục chia sẻ clip trên mạng xã hội về một xe ba bánh chở các bao ni-lông, được cho là rác thải, đổ thẳng xuống biển. Mới đây nhất, nhân viên một resort trên địa bàn phường Phú Hài, TP Phan Thiết vứt rác không đúng quy định xuống bờ biển…
Dù chính quyền địa phương đã xử phạt không ít trường hợp vứt rác bừa bãi ra biển Mũi Né nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.
Mũi Né từ lâu đã là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn. Thế nhưng, những năm gần đây, vẻ đẹp tự nhiên của Mũi Né đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi rác thải đại dương.
Tại khu vực làng chài Mũi Né – nơi được nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh – từng lớp rác thải là túi ni-lông, hộp xốp, nhựa các loại, cả vỏ các loài hải sản… – cấp tập tấp vào bờ biển sau những con sóng vào mùa gió Nam.
Rác thải – từ đại dương, từ hoạt động du lịch, từ sinh hoạt của người dân địa phương… – không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách ngay trên bãi biển mà còn tác động đến hình ảnh du lịch của Mũi Né.
Những hình ảnh về bãi biển ô nhiễm được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều du khách e ngại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới Mũi Né – một điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng từng được nhiều người dân và du khách yêu thích.
Theo ông Bùi Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND phường Mũi Né, địa phương gần như “bất lực” trước tình trạng rác thải từ biển tấp vào, nhất là khi có gió Nam. Rác thải nhiều trên biển một phần là do ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân, ngư dân trên các vùng biển chưa tốt.
Ông Lâm nhìn nhận: “Để giải quyết vấn đề rác thải đại dương, không thể chỉ quy trách nhiệm cho một địa phương. Về phần Mũi Né, chúng tôi đang lập kế hoạch tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của ngư dân. Phường sẽ trang bị thùng rác cho chủ phương tiện tàu thuyền sử dụng khi hoạt động trên biển”.
Ngoài ra, ông Lâm cho hay ở các bãi tập kết hải sản, UBND phường Mũi Né sẽ quy hoạch nơi đổ rác để người dân bỏ túi ni-lông, vỏ hải sản, rác thải đúng nơi quy định. Mặt khác, chính quyền cũng sẽ thường xuyên ra quân dọn dẹp rác thải, kết hợp tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân và du khách.
Tăng cường tuyên truyền, xử phạt
Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, chủ yếu là các vịnh nước êm. Vào mùa gió Tây Nam hằng năm, bờ biển nơi đây hứng chịu lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào, làm ô nhiễm nhiều bãi tắm.
Theo TS Lê Đình Mầu, Viện Hải dương học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bờ biển vịnh Phan Thiết bị rác thải trôi dạt tấp vào đã hàng chục năm qua. Tình trạng này chưa được cải thiện, tác động xấu đến các hoạt động du lịch của địa phương, nhất là Mũi Né và khu vực lân cận.
TS Mầu cho biết mùa gió Tây Nam (tháng 7 đến tháng 9 hằng năm) cũng là mùa mưa tại Phan Thiết. Đây là thời điểm rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa từ sông Cái, sông Cà Ty đổ ra biển Phan Thiết nhiều nhất. Phần lớn rác thải này sẽ trôi dạt dọc bờ đến khu vực Hàm Tiến – Mũi Né và tấp lên bãi biển.
Trong khi đó, ngoài khơi, lượng rác thải từ các khu vực biển phía Nam (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận; TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…) theo dòng hải lưu tấp vào, góp phần làm tăng lượng rác ở vịnh Phan Thiết. Ngoài ra, việc một số người dân và du khách vô tư vứt rác xuống biển cũng là nguyên nhân đáng kể khiến rác đại dương gia tăng.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, cho biết để giải quyết rác thải đại dương, địa phương thường xuyên phối hợp với Công ty CP Môi trường – Dịch vụ Đô thị Bình Thuận, các doanh nghiệp du lịch và UBND các phường, xã ven biển triển khai thu gom. Những năm gần đây, chính quyền TP Phan Thiết đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường; khuyến cáo người dân và du khách không xả rác bừa bãi. Việc phát hiện, xử phạt các tổ chức, cá nhân cố ý vứt rác thải ra biển cũng được tiến hành thường xuyên hơn nhằm nâng cao tính răn đe.
Nhà máy xử lý rác vận hành nửa công suất
Theo lãnh đạo UBND TP Phan Thiết, thành phố hiện có khoảng 400 tấn rác sinh hoạt phải xử lý mỗi ngày. Tuy nhiên, chưa đến một nửa trong số đó được xử lý thông qua nhà máy.
Cụ thể, sau 8 năm khởi công, Nhà máy Xử lý rác Phan Thiết mới chỉ vận hành 2/4 tổ máy, tương ứng với việc giải quyết khoảng 100 – 150 tấn rác thải/ngày của thành phố. Số rác thải còn lại phải đưa về đốt, chôn lấp tại bãi rác Bình Tú, xã Tiến Thành. Bãi rác này trước đây từng dự kiến đóng cửa nhưng nay vẫn phải tiếp tục “gồng mình” nhận rác vì Nhà máy Xử lý rác Phan Thiết chưa hoạt động đủ công suất.