Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý với Bộ Tài chính về Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Đối với đề xuất giảm 50% Thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% Thuế GTGT đối với mặt hàng xăng, trên cơ sở ý kiến của các DN và Hiệp hội, VCCI cho rằng, với mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc 2 loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thuế bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, xăng không phải mặt hàng xa xỉ nên việc đánh Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh Thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Ngoài mặt hàng xăng, VCCI cũng kiến nghị Bộ Tài chính đánh giá tác động kỹ hơn đối với việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, VCCI góp ý cần xem xét lộ trình và tính phù hợp, khi nhiều DN đồ uống đề nghị lùi thời gian thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt cho loại hàng hóa này. Ngoài ra, đề xuất này cần được thuyết minh kỹ hơn bằng các số liệu cụ thể về dự kiến mục tiêu giảm thừa cân béo phì tương ứng với mỗi mức thuế suất.
VCCI cũng góp ý, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã có Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, báo cáo này mới chỉ tổng hợp lại các quy định của luật, các lần sửa đổi, bổ sung và lý do ban hành. Các vấn đề khác cần được tổng kết như tăng, giảm sản lượng sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng chịu thuế, điều tiết thu nhập xã hội đều mới chỉ được đánh giá định tính mà chưa được định lượng. Các số liệu định lượng duy nhất được thể hiện trong báo cáo tổng kết là số thu ngân sách.
Như vậy, Báo cáo tổng kết chưa cung cấp được thông tin về việc thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã giúp hạn chế tác động tiêu cực của các mặt hàng chịu thuế như thế nào, cũng như các tác động đến doanh nghiệp và người dân. Ví dụ, báo cáo mới chỉ nói rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đã làm giảm tiêu thụ rượu bia, thuốc lá nhưng mức giảm cụ thể là bao nhiêu (so với trường hợp giả định không có thuế), và từ đó giúp nâng cao sức khoẻ của người dân, giảm tai nạn giao thông như thế nào. Nếu không tính toán được số liệu này thì không đủ cơ sở để xác định việc thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có tác dụng tích cực trên thực tế thời gian qua hay không. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung đánh giá định lượng và cụ thể hơn về tác động của việc thực thi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 trong 14 năm qua./.