Thị trường xăng dầu “loạn” vì quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bị can thiệp
Mới đây, sau khi lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ- CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã tổng hợp ý kiến và xây dựng Dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngay sau đó, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Công Thương để tham gia ý kiến. Trong công văn của mình, Bộ Tài chính đã phân tích những bất cập, những lỗ hổng và những điểm không hợp lý trong công tác điều hành, quản lý… đồng thời cho rằng việc giao toàn bộ việc điều hành giá về 1 đầu mối là Bộ Công Thương là phù hợp.
Góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ. Trong văn bản của mình cơ quan này đã “không ngại” nêu thẳng những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu liên tục “loạn” trong thời gian qua.
Theo lập luận của VCCI, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ phương thức quản lý giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh biến động trên thế giới.
Theo VCCI, thời gian qua, Bộ Công Thương ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bán lẻ bằng cách xử phạt cây xăng đóng cửa. Các cây xăng có thể vì sợ bị phạt mà vẫn chấp nhận mở cửa nhưng cố tình bán nhỏ giọt cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng phải xếp hàng mất nhiều thời gian. Đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.
Cơ quan này cho rằng nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn.
Một vấn đề được VCCI hết sức lưu tâm là – xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu. VCCI cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm. Điều này khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.
“Cần lưu ý rằng, trong trường hợp giá bán lẻ điều hành thấp hơn toàn bộ chi phí của chuỗi cung ứng thì các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ không có động lực để kinh doanh. Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp buộc phải kinh doanh để cung cấp xăng dầu cho nền kinh tế thì khoản âm chi phí lớn hơn giá bán này chắc chắn sẽ do một chủ thể nào đó trong chuỗi cung ứng gánh chịu”, VCCI phân tích.
Với cách thiết kế quy định như hiện nay, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm này chủ yếu sẽ đổ vào doanh nghiệp bán lẻ bởi doanh nghiệp bán buôn có quyền chủ động giá bán buôn và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng. Do đó, mấu chốt vấn đề vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu.
“Tuy nhiên, cần thấy rõ rằng, với cách thức này thì Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời. Một mặt, Nhà nước tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng”, VCCI nêu rõ.
Mặt khác, cơ quan này cho rằng Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán. Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách này đã gây ra những hệ quả như trên.
Doanh nghiệp bán lẻ chỉ cần 3 điều!
Trao đổi với Thương gia, Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có trụ sở tại miền Tây đưa ra quan điểm: “Vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, tôi kiến nghị cần xác lập vị thế của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cao hơn, có vai trò lớn hơn nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng xăng dầu trên toàn quốc để phục vụ cho người dân xuyên lễ, xuyên Tết và nền kinh tế đang phát triển rất nhanh. Bởi vì, cộng đồng bán lẻ tư nhân hiện đang chiếm thị phần lớn chuỗi cung ứng nhất là phủ khắp cho vùng sâu vùng xa mà doanh nghiệp nhà nước không thể kham nổi hết”.
Thời gian vừa qua doanh nghiệp bán lẻ luôn bị bỏ rơi dẫn đến thua lỗ kéo dài, nhưng nỗi bức xúc lại bị tăng thêm khi mà 2 thành phần doanh nghiệp cùng chung hệ thống, nhưng quyết toán năm tài chính doanh nghiệp đầu mối lãi hàng ngàn tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp bán lẻ lỗ kinh khủng và đang ở trong tình trạng kiệt quệ không lối thoát, tâm lý luôn bị ức chế hoàn toàn, vị Giám đốc này nói.
Do đó, để chấm dứt tình trạng doanh nghiệp bán lẻ phải đi kêu cứu khắp nơi, theo vị Giám đốc này khi sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, nhà nước chỉ cần đáp ứng cho họ 3 điều này.
Thứ nhất phải quy định chiết khấu tối thiểu: Cần xem chiết khấu như là phí xăng dầu mà doanh nghiệp bán lẻ thu hộ. Thay vì trước đây nộp cho nhà nước thì nay giữ lại để hoạt động và xem đây là công cụ để giúp doanh nghiệp bán lẻ hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu trên thị trường thế giới.
Cơ sở để quy định chiết khấu tối thiểu là căn cứ vào đề xuất của Bộ Tài chính và VCCI. Bởi, Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính bao gồm ngân sách nhà nước, thuế, phí, tài chính doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán…do vậy mà bộ này rất hiểu rõ với đề xuất của mình. Đây là cơ sở quý báu để Ban soạn thảo ghi nhận, bởi vì họ đề xuất thì cũng kèm theo trách nhiệm trong đó.
Việc quy định mức chiết khấu tối thiểu căn cơ ở chỗ là vẫn giữ vững quan điểm của Đảng và Nhà nước là vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước: Phần chiết khấu (thù lao) tối thiểu là phần cứng và là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu được đề xuất khi trong công thức giá cơ sở nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng dầu được ổn định, công bằng.
Phần chiết khấu còn lại là phần “mềm” là sự cơ động, linh hoạt của các nhà cung cấp để cạnh tranh dành thị phần. Đây chính là phần thị trường và là phần tăng thêm được hưởng của doanh nghiệp bán lẻ. Nếu không cho lấy nhiều nguồn thì doanh nghiệp bán lẻ sẽ không có phần mềm này và thị trường trở nên co cứng.
Thứ hai là nhất quán quan điểm quy định cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở ít nhất 3 nơi. Việc cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn sẽ tăng tính cạnh tranh về chiết khấu, đảm bảo được cho doanh nghiệp bán lẻ chủ động được nguồn hàng và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị đứt gãy nguồn hàng. Mặt khác là cải thiện giao dịch mà trước đây không có và được hưởng phần chiết khấu tăng thêm so với chiết khấu tối thiểu do cạnh tranh mang lại.
Thứ ba là nhà nước nên cho doanh nghiệp đầu mối tự định giá bán lẻ. Với sự thay đổi này trước mắt là đảm bảo đủ các chi phí phát sinh được đưa vào trong giá vốn kinh doanh theo diễn biến thị trường để giải quyết vấn đề mà doanh nghiệp đầu mối quan tâm là – doanh nghiệp đầu mối nhập về còn cao hơn cả giá bán lẻ thì doanh nghiệp đầu mối lấy “nguồn lực” ở đâu để chiết khấu cho khâu bán lẻ?
Chỉ khi giá bán được phản ánh đầy đủ tất cả các chi phí tạo nguồn từ giá mua, các chi phí phát sinh thì mặc nhiên doanh nghiệp bán lẻ sẽ có chiết khấu cao. Vì vậy, nhất thiết phải để cho doanh nghiệp đầu mối định giá bán lẻ!.
Vị Giám đốc lập luận thêm, để giải quyết vấn đề này thì không có cách nào khác là chúng ta phải nhìn nhận lại chi tiết từng khía cạnh của các Nghị định về quản lý xăng dầu đang gặp những vấn đề gì.
“Tôi nghĩ, cái gì phức tạp nhất thì mình nên quy về vấn đề đơn giản nhất có thể để giải quyết. Đó chính là chi phí lưu thông trong công thức tính giá cơ sở cần phải được chia rõ phần phí và lợi ích ở cả 3 khâu: doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ”, vị Giám đốc đưa ra quan điểm.
Vị Giám đốc phân tích: “Hiện nay chi phí lưu thông chung là 1350đ/lít xăng, gồm có lợi nhuận định mức là 300đ và 1050đ chi phí lưu thông trên 1 lít xăng. Thực ra chỉ cần phân chia trong công thức giá cơ sở đã xây dựng ra thành 3 phần ở các khâu theo tỷ lệ (%) phù hợp với sự đóng góp trong cả hệ thống là vấn đề sẽ được giải quyết. Chỉ vì trong các Nghị định do không ghi rõ tỷ lệ nên doanh nghiệp đầu mối hưởng hết”.
Từ phân tích trên, vị Giám đốc đề nghị phân chia rõ tỷ lệ ở các khâu về chi phí lưu thông định mức. Và riêng khâu bán lẻ là cộng thêm 5%/giá bán tùy từng thời điểm tương đương với 1.180đ/lít theo giá hiện nay.