Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021, thuộc một trong những lĩnh vực có tăng trưởng tín dụng cao nhất. Hiện dư nợ bất động sản cũng đang chiếm 21,2% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Trong lĩnh vực bất động sản nói chung có nhiều phân khúc. Trong đó, mỗi ngân hàng lại có quan điểm và chiến lược cho vay khác nhau. Mới đây, một số nhà băng đã tiết lộ các phân khúc bất động sản chủ yếu trong danh mục tín dụng của mình.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank từng chia sẻ tại Hội nghị công tác tín dụng bất động sản hồi tháng 2, đến hết 31/12, dư nợ bất động sản chiếm trên 20% dư nợ của nhà băng này, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển và cá nhân. Trong đó, cho vay đối với cá nhân chiếm 90% và 10% với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản. Đáng chú ý, dư nợ bất động sản khu công nghiệp tăng 4 lần trong năm 2022 do tiềm năng của ngành nghề này.
“Với lĩnh vực bất động sản du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, Vietcombank nhận định du lịch trong nước và quốc tế đã phục hồi nên năm 2023 sẽ có những chính sách thay đổi phù hợp với thực tế. Chúng tôi sẽ lựa chọn các doanh nghiệp bất động sản uy tín để cho vay”, ông Tùng nói.
ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV tại hội thảo cũng thông tin, tính đến hết năm 2022, tổng dư nợ cho vay bất động sản tại BIDV là 275 nghìn tỷ, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng. Tỷ trọng cho vay bất động sản chiếm khá lớn trong danh mục, tương ứng tỷ lệ tăng 20% so với năm trước. Tuy nhiên, BIDV tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân là 217.000 tỷ đồng.
“Thời gian tới, BIDV sẽ tập trung cho vay đối với bất động sản khu công nghiệp và ưu tiên những dự án có quy mô từ 50 ha trở lên. Đối với bất động sản nhà ở, BIDV ưu tiên tại các địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh và ưu tiên các doanh nghiệp có uy tín”, ông Lâm chia sẻ.
Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái trong khuôn khổ hội nghị cho biết, những năm qua ngân hàng luôn dành khoảng 8% dư nợ hàng năm để cho vay bất động sản. “Chúng tôi nhất quán lựa chọn phân khúc có nhu cầu ở các thành phố lớn, tập trung cho sản phẩm có nhiều nhu cầu sử dụng”, ông Thái thông tin.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB, tại Đại hội cổ đông thường niên tổ chức hôm 15/03 thì chia sẻ, ngân hàng này đang tập trung cấp tín dụng bán lẻ, trong đó cho vay mua nhà hiện đang chiếm khoảng 50% dư nợ bán lẻ. VIB cũng cho vay đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tuy nhiên, chủ yếu cấp tín dụng cho các công ty nước ngoài kinh doanh bất động sản tại Việt Nam và các công ty có tên tuổi.
“Cho vay mua nhà ở VIB khác hoàn toàn với các ngân hàng khác khi không cho vay nhà ở phân khúc dạng resort, nhà ở các dự án đang được triển khai, hay condotel… Ngân hàng đang tiến hành đúng nghĩa cho vay tiêu dùng, vì chỉ cho vay nhà có đủ giấy tờ pháp lý, nhà sử dụng đa mục đích, một phần kinh doanh một phần để ở”, ông Vỹ nhấn mạnh.
Nhìn chung, các ngân hàng vẫn đang thận trọng với các tài sản thế chấp là nhà đất. Tuy nhiên, không vì thế mà các nhà băng từ chối cấp tín dụng cho các phân khúc kém thanh khoản và có nhiều biến động giá. Tại Hội nghị Kết nối doanh nghiệp ngân hàng diễn ra hồi cuối tháng 2 ở TP.HCM, lãnh đạo 4 ngân hàng BIDV, OCB, ACB, VietCapitalBank đều khẳng định không từ chối cho vay đối với phân khúc đất nông nghiệp, hay phân khúc đất thuê tại khu công nghiệp. Tất nhiên, thủ tục và hạn mức cấp tín dụng phải được tiến hành theo các quy định pháp luật và đảm bảo các hệ số an toàn của ngân hàng.