Theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản đang khởi sắc rõ rệt, mở ra nhiều cơ hội cho thị trường trong thời gian tới. Bởi GDP ngành bất động sản năm 2024 tăng trưởng tốt, nguồn cung nhà ở cải thiện, chính sách pháp lý dần hoàn thiện.
PHỤC HỒI TÍCH CỰC
Tại diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ 5 do Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (Vnrea), Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho biết, thị trường bất động sản thời gian qua đã có sự phục hồi tích cực. Để chứng minh cho luận điểm của mình, ông Lực cho biết, sự phục hồi được thể hiện qua nhiều yếu tố.
Điển hình là việc, GDP hoạt động kinh doanh bất động sản năm 2024 tăng 3,34% so với năm 2023 và ngành xây dựng cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể với mức tăng 7,78% vào năm 2024.
Hay như, nguồn cung nhà ở thương mại mới cũng tăng lên trong giai đoạn 2021 – 2024. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng condotel đã có những tín hiệu khả quan hơn. Với đất nền, lượng giao dịch vừa qua rất tích cực và phục hồi tốt hơn nhiều so với giai đoạn 2021.
Ngoài ra, số lượng khu công nghiệp trên cả nước đã tăng từ 397 khu công nghiệp vào năm 2021 lên 431 khu công nghiệp. Trong đó, số lượng khu công nghiệp đang hoạt động chiếm 71%, tương đương 301 khu công nghiệp. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp cũng có xu hướng tăng.
“Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh và ban hành các thông tư nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và hỗ trợ người dân mua nhà ở. Ngoài ra còn có các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và một số luật và quyết sách vừa được Quốc hội thông qua”.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia
Cũng theo ông Lực, việc phục hồi của ngành địa ốc trong năm qua về cơ bản là nhờ 5 yếu tố chính.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế thế giới 2024 – 2026 cơ bản đi ngang còn kinh tế Việt Nam năm 2024 – 2025 tăng trưởng khá cao, làm tiền đề bước vào “kỷ nguyên mới”, dù còn nhiều khó khăn, thách thức.
Thứ hai, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất tại Việt Nam duy trì ở mức thấp; tỷ giá, nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát; thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ… trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Thứ ba, đột phá về thế chế, cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy làm cơ sở và động lực quan trọng bước vào kỷ nguyên mới. Cụ thể chưa bao giờ các bộ luật mới được sửa đổi và ban hành chính thức nhanh chóng như thời gian vừa qua.
Thứ tư, quy hoạch các cấp được ban hành; đầu tư công, chính sách hạ tầng được đẩy mạnh. So với các nước trong khu vực, đầu tư công tại Việt Nam tương đương 7 – 8% GDP, gần như cao nhất trong các nước Đông Nam Á.
Thứ năm, nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Thực tế, room tín dụng hiện nay không thiếu và lãi suất cực kỳ hấp dẫn. Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp trong năm 2024 – 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn.
VƯƠN MÌNH VƯỢT THÁCH THỨC
Dù nền kinh tế ghi nhận tăng trưởng tích cực, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, nhưng theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam doanh nghiệp vẫn đối diện nhiều thách thức.
Cụ thể, năm 2024, có 233.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với năm trước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tăng 14,7%, lên 197.900 doanh nghiệp. Riêng tháng 1/2025 vừa qua, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động đạt 33.400, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp rút lui đạt 58.300, tăng 8,1%.
“Doanh nghiệp giải thể tăng nhiều trong khi số lượng thành lập mới “trồi sụt”. Đây là xu hướng đáng lo ngại. Hiện tượng này đã diễn ra suốt từ giai đoạn Covid-19 đến nay”, ông Thiên cho hay.
Doanh nghiệp bất động sản còn gặp nhiều khó khăn
Theo ông Thiên, nền kinh tế chung cũng đối mặt với nhiều thách thức khi thế giới biến động khó lường, chiến tranh và chiến tranh thương mại kéo dài, cung bất động sản vẫn khan hiếm, bài toán nợ trái phiếu doanh nghiệp còn hiện hữu, trong khi mặt bằng giá cả duy trì ở mức cao.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) cũng cho rằng, thị trường đã tốt hơn so với trước, nhưng nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn gặp vướng mắc nhất định.
Trong lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp có khi phải xin đến 38 – 40 con dấu để có thể thực hiện dự án, hay việc xin điều chỉnh quy hoạch cũng gặp nhiều khó khăn.
“Tính đến tháng 1/2025, có khoảng 25 tỉnh thành công bố bảng giá đất mới. Tôi cho rằng nội hàm việc tính giá đất là do cơ cấu tính giá đất, yếu tố đầu vào không đầy đủ dẫn đến việc giá đất tăng cao. Đây là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp, gây nhiều khó khăn”, Chủ tịch GP.Invest phân tích.
Khó khăn thứ nhất là doanh nghiệp chậm trễ ra dự án mới. Hiện nhiều doanh nghiệp mất 1 – 2 năm vẫn không tính được giá đất. Thứ hai là chi phí đầu vào tăng cao, việc này dẫn đến nếu tính giá đất không chuẩn xác sẽ có thể gây ra nhiều khúc mắc. Đây là điều ông Hiệp mong muốn được các bộ ngành, địa phương tháo gỡ cho doanh nghiệp. Nếu tháo gỡ được, khả năng triển khai các dự án bất động sản sẽ nhanh hơn.
“Nếu chúng ta kích thích đầu tư tư nhân thì GDP chắc chắn tăng trưởng. Như vậy, cũng thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng theo. Tôi hy vọng những vướng mắc còn tồn đọng về thể chế sẽ được tháo gỡ để bất động sản có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới”, đại diện doanh nghiệp bày tỏ.
Nhìn chung, các khách mời tại diễn đàn đều chung nhận định, thị trường bất động sản chưa bao giờ là một sân chơi dễ dàng, nhưng chính những giai đoạn thử thách lại là cơ hội để nhận diện nội lực, điều chỉnh chiến lược và định vị lại giá trị cốt lõi. Những doanh nghiệp vững vàng không chỉ là những đơn vị trụ được qua sóng gió, mà còn là những đơn vị biết cách thích nghi, đổi mới và nắm bắt cơ hội trong những chu kỳ phát triển mới.
Cũng tại sự kiện, lễ vinh danh thương hiệu bất động sản dẫn đầu năm 2024 – 2025 cũng được Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh những doanh nghiệp tiên phong – những thương hiệu không chỉ thích ứng mà còn dẫn dắt thị trường bằng tầm nhìn chiến lược và khả năng kiến tạo giá trị bền vững.
Đề án “Chuyển đổi xanh cho thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2025 – 2027” chính thức được công bố triển khai
Ngoài ra, đề án “Chuyển đổi xanh cho thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2025 – 2027”, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của ngành bất động sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu giảm phát thải carbon đã chính thức được công bố triển khai.
Đề án này do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam phối hợp với các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các cơ quan Trung ương thực hiện.
Đây không chỉ là lời cam kết, mà còn là một lộ trình hành động cụ thể, với sự đồng hành của các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm đưa thị trường bất động sản Việt Nam tiệm cận với các chuẩn mực phát triển bền vững quốc tế.