Hôm 28/2, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và TikTok ký kết Biên bản Hợp tác Chiến lược Nâng cao Năng lực Chuyển đổi số cho chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Trong khuôn khổ hợp tác, TikTok sẽ đồng tổ chức các lớp đào tạo cho các chủ thể OCOP về cách xây dựng nội dung video ngắn, bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok for Business. TikTok cũng sẽ thiết lập ngành hàng riêng cho sản phẩm OCOP trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop, đồng thời tái khởi động hashtag #DacsanVietNam.
“Do tác động của Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng tăng cường mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, gần đây là thông qua mạng xã hội, tương tác trực tiếp giữa các KOL và chủ thể với người tiêu dùng. Đây là xu thế tất yếu. Việt Nam cũng vậy, thế giới cũng như vậy”, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp phát biểu.
Với sự trợ giúp đắc lực từ TikTok – một nền tảng mang tính toàn cầu, ông Tiến bày tỏ mong muốn không chỉ dừng lại ở xúc tiến sản phẩm OCOP Việt Nam tại thị trường trong nước, mà từng bước hướng tới thị trường quốc tế.
Hiệu quả TikTok đem lại được thể hiện trong năm 2022. TikTok đã tổ chức thành công hơn 10 khóa đào tạo địa phương về chuyển đổi số, thu hút 200 chủ thể mở gian hàng trên TikTok Shop để bán hơn 500 sản phẩm đặc trưng mỗi vùng miền. Hashtag #OCOP và #DacsanVietNam đã thu hút lần lượt 305 triệu và 350 triệu lượt xem.
Dù mới ra mắt cuối tháng 4/2022, TikTok Shop đã vượt qua Tiki để trở thành nền tảng thương mại điện tử phổ biến thứ ba tại Việt Nam sau Shopee và Lazada, theo bảng xếp hạng năm 2022 do Reputa công bố.
Theo thống kê của Metric hồi tháng 11/2022, doanh thu trong 1 tháng của TikTok Shop đã tương đương 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần Tiki. Trung bình mỗi ngày TikTok Shop đạt doanh thu 56,6 tỷ đồng và 434.000 sản phẩm được bán ra, giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 130.000 đồng.
Từ khi vào Việt Nam năm 2019, TikTok đã có nhiều hoạt động hợp tác quảng bá cho các điểm đến, văn hóa, sản phẩm của Việt Nam. Ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok Việt Nam cho biết họ nhận thấy 65% dân số đất nước vẫn sống ở vùng nông thôn, nơi có những đặc sản kết tinh từ văn hóa và ẩn chứa nhiều câu chuyện.
“Các nhà sản xuất đã rất cố gắng, sáng kiến “Mỗi xã một sản phẩm” cũng rất thành công trong việc tiêu chuẩn hóa và xác nhận chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá lớn trong việc ứng dụng các công nghệ mới, kỹ năng số để các chủ thể OCOP đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh hơn”, ông Thanh bày tỏ, đồng thời kêu gọi các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok gắn hashtag để quảng bá các đặc sản Việt rộng rãi hơn.
“Bài toán” với các nhà sáng tạo nội dung
Ông Trần Khánh Duy, Giám đốc Thương mại TikPlus Vietnam – đơn vị cung cấp giải pháp phát triển thương hiệu và kinh doanh bền vững trên TikTok, cho biết khi nghĩ đến việc thúc đẩy đặc sản vùng miền, ông nghĩ đến những khó khăn nhất định.
“Đầu tiên là về sản phẩm. Khi vào nhà ai đó chơi, chúng ta phải tôn trọng luật chơi của họ. Với TikTok cũng vậy, chúng ta phải có những sản phẩm phù hợp trên nền tảng này. TikTok có tệp khách hàng ở độ tuổi nhất định, hành vi mua sắm cũng khác xa các nền tảng khác. Vì vậy, chúng ta phải có sản phẩm phễu phù hợp với TikTok”, ông phân tích.
Tuy nhiên, TikTok cũng đem lại những lợi thế nhất định, đặc biệt nhờ tính năng livestream.
“Đôi khi mọi người không lường trước được những gì thu về từ livestream. Ngoài doanh thu còn là những giá trị, với một tệp khách hàng hiểu mình. Một dòng trạng thái hoặc video ngắn làm sao truyền tải được hết cảm xúc và những câu chuyện muốn truyền tải? Khi bật nút livestream, chúng ta có thể truyền tải được tất cả”, ông Duy trình bày.
Bên cạnh đó, hình thức video shopping, tức là kết hợp giữa giải trí và bán hàng, cũng giúp thúc đẩy cảm xúc để người tiêu dùng mua sản phẩm. Cuối cùng là hình thức tiếp thị liên kết. Thay vì “đơn thương độc mã”, người bán có thể kết nối với những KOL nổi tiếng trên TikTok, thậm chí là người nổi tiếng để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Một tính năng mới được mở khóa trên TikTok Shop là bán đồ tươi. Trước đây người bán chỉ có thể bán được đồ bảo quản trên 15 ngày. Bây giờ, TikTok có thể xử lý được cả những món cần giao trong vòng 3 ngày, hoặc thậm chí trong 24 giờ.
“Đối với mặt hàng nông sản chỉ cần nội dung thật thà, chất phác, không cần làm gì quá cầu kỳ. Dự án này tôi tin chắc 100% thành công”, Co-founder DC Media Trần Mạnh Duy – một người sáng tạo nội dung trên TikTok, đánh giá.