Trong bối cảnh người lao động có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng cho cá nhân và 15-17 triệu đồng cho hộ gia đình, bỏ ra 3-5 triệu đồng thuê một căn hộ khoảng 40m2 theo tháng được coi là hợp lý cho tất cả các bên. Người thuê nhà không tốn chi phí bảo trì nhà hàng năm, và có thể chấm dứt hợp đồng khi không có nhu cầu; chủ cho thuê có thể lấy lại căn hộ cho thuê tiếp, và kể cả lấy lại đất làm việc khác khi chung cư đó hết thời hạn sử dụng.
Thế nhưng, cái khó nhất là ai quản lý NoXH cho thuê. Có một thực tế cần nhìn nhận, những chung cư dành cho người thu nhập thấp, nếu không có sự quản lý tốt sẽ trở thành khu nhà ổ chuột trên cao, thậm chí thành các tụ điểm tệ nạn. Hiện tượng này đã từng xảy ra ở Bangkok (Thái Lan). Thực tế ngay tại TPHCM, một số chung cư tái định cư từ dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè, do quản lý không tốt nên trở thành điểm cư trú rất lộn xộn, mau xuống cấp.
Một chung cư NoXH cho thuê khác biệt rất nhiều so với các chung cư được gọi khá hay cao cấp về chất lượng, thành phần cư trú, và điều kiện sinh hoạt. Loại chung cư này không thể thuê các đơn vị quản lý chung cư chuyên nghiệp, vì phí quản lý phải trả quá cao so với thu nhập của người thuê NoXH.
Tuy nhiên, nếu giao cho ban quản lý chung cư hay ban tự quản, hiệu quả quản lý rất thấp. Do đó có ý kiến nên giao cho các tổ chức xã hội như Liên đoàn Lao động, Lực lượng Thanh niên xung phong.
Thực tế, quản lý chung cư NoXH hoàn toàn khác với một khu nhà trọ. Ngoài việc đưa vào quy củ, nề nếp còn hàng trăm thứ phát sinh trong quá trình sử dụng. Vướng mắc lớn nhất sẽ nảy sinh là khi chung cư cần sửa chữa do hư hỏng như thang máy, hệ thống PCCC, điện, nước, lún nền, sơn lại khi cũ… lấy tiền ở đâu.