Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố chỉ số phát triển du lịch của Việt Nam 2023 xếp thứ 59/119 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng sau Singapore (13), Indonesia (22), Malaysia (35) và Thái Lan (47). Năm 2021, Việt Nam hạng 56/117, năm 2019 hạng 63/140.
Cục Du lịch Quốc gia lập tức lên tiếng trước công bố ấy: “Kết quả xếp hạng chỉ số này chưa phản ánh thật sự chính xác”.
Mấy lần trước, không ai để ý. Việt Nam tụt ba bậc nhưng Thái Lan tụt 12, Singapore tụt 4, Malaysia tụt 2, Indonesia và Lào giữ nguyên, Philippines tăng 1. Myanmar, Brunei, Timor Leste không xếp hạng.
Các báo khác thông tin Việt Nam tụt 7 bậc, Indonesia tăng 14 bậc (2023). Không biết thông tin nào chính xác. Không thấy nước nào lên tiếng vì họ xem danh hiệu, xếp hạng chỉ để tham khảo. Khá ngạc nhiên vì Indonesia xếp thứ 5 về lượng khách quốc tế trong ASEAN, lại xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng.
Xét theo dân số và lượng khách, Singapore dẫn đầu với trên 5,5 triệu dân đón hơn 19 triệu khách (2019). Malaysia 32 triệu dân đón 27 triệu khách. Indonesia 275 triệu dân, chỉ đón hơn 16 triệu khách, thua Việt Nam. Thái Lan xếp hạng 47 các chỉ số phát triển du lịch nhưng đón 39,8 triệu khách (hạng 8 thế giới), doanh thu hơn 63 tỷ USD (hạng 4 thế giới). Họ là bậc thầy về nghệ thuật dụ khách để “vét sạch túi” và giá tour rẻ.
Xét theo du lịch bền vững, Lào và Malaysia dẫn đầu ASEAN. Lào 6,5 triệu dân, không có biển, nhưng đón 4,8 triệu khách (2019). Malaysia không bán rượu bia, cũng không có ăn chơi tới bến nhưng 2023 dẫn đầu ASEAN với 28 triệu khách.
Các chỉ số tốt nhất của du lịch Việt Nam 2023: Giá cả cạnh tranh (hạng 16), an ninh an toàn (23), tài nguyên thiên nhiên (26), tài nguyên văn hóa (28), tài nguyên khác ngoài giải trí, nghỉ dưỡng (38). Các chỉ số kém: Hạ tầng dịch vụ (80), mức độ mở cửa du lịch (80), y tế và vệ sinh (81), bền vững môi trường (93), tác động kinh tế, xã hội do ngành du lịch mang lại (115) – gần đội sổ.
Quan trọng hơn việc tụt hay lên hạng đối với ngành du lịch là hiệu quả kinh tế và sự bền vững. Du lịch Việt Nam đang kém cả hai so với nhiều nước, đặc biệt là tính liên kết trong ngành, liên kết địa phương và các vùng, liên kết giữa các ngành. Đã có người đúc kết: Kinh tế Việt Nam nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng có nhiều thế mạnh, mạnh nhất là… mạnh ai nấy làm!
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không thể mạnh một mình. Mạnh thế nào được khi tràn lan rác thải, lâu lâu hàng chục, hàng trăm người bị ngộ độc thực phẩm, khi nạn “chặt chém” du khách cứ tiếp diễn. Rồi nạn kẹt xe, ngập nước, bóp còi inh ỏi, karaoke khủng bố tiếng ồn, bê tông hóa điểm đến, nhân danh bảo tồn phục dựng tùy tiện. Bệnh hình thức, thói khoa trương, số liệu nhảy múa…
Mình chưa yêu nước mình, chưa yêu quê mình đủ, làm sao rủ khách tới? Tôi vừa tham dự “Homestay Nite Malaysia 2024” ở Thủ Đức vào tối 26/5. Chỉ hơn 20 khách mời được chọn lựa nhưng có mặt đủ tổng lãnh sự, các lãnh sự du lịch, giáo dục, y tế, Chủ tịch Hiệp Hội Homestay Malaysia. Rất thân tình, ấm cúng. (Họ không mời đông vì tốn tiền, kém hiệu quả).
Tổng cục Du lịch Malaysia thuộc Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa, có 34 văn phòng ở các nước. Các sứ quán đều có tùy viên các ngành hoặc lãnh sự, tổng lãnh sự. Tổng cục Du lịch Thái Lan trực thuộc thủ tướng, có 27 văn phòng đại diện ở nước ngoài. Bộ Du lịch Thái Lan là cơ quan tham mưu.
Du lịch các nước liên kết rất tốt với ngành y tế (du lịch sức khỏe), giáo dục (du học), thể thao (thi đấu, tập luyện, xem thi đấu), văn hóa (làm phim, dựng phim, tổ chức sự kiện), thương mại (hội chợ, triển lãm quốc tế), nông nghiệp (festival homestay, hội chợ OCOP)… Họ kết hợp truyền thông hiện đại với truyền miệng (talk to talk), làm dịch vụ thật tốt để “tiếng lành đồn xa”.
Theo Bộ Y tế, năm 2023, có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh, làm đẹp (80% đến TP.HCM), chủ yếu từ Campuchia và Lào. Nguồn khách Âu, Mỹ đầy tiềm năng chưa đáng kể. Tổng chi phí điều trị du lịch y tế ở Việt Nam (bao gồm cả du lịch) thấp hơn chi phí điều trị y tế đơn thuần tại các nước phát triển. Con số này ở Thái Lan là hơn 3,4 triệu khách du lịch y tế.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam tại các nước, khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam, trong đó Lào chiếm gần 16.000, Campuchia 3.000, các nước khác hơn 3.000 người. Lưu học sinh ở Malaysia là hơn 130.000 và Singapore là trên 86.000 thuộc 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chất lượng giáo dục Việt Nam kém xa các nước trong khu vực.
Nếu du lịch Việt Nam vượt Singapore, đảo quốc nhỏ hơn mình 451 lần diện tích và 18 lần dân số, đâu vẻ vang gì! Phải cố vượt Malaysia và bám sát Thái Lan. Muốn vậy phải làm cuộc cách mạng thật sự về tư duy du lịch, có cơ chế phù hợp và bắt đầu từ việc nhỏ như xả rác đúng chỗ. Cụ thể thế nào sẽ bàn sâu hơn vào dịp khác.
Mọi việc đều có thể. Chỉ sợ không dám làm và không chịu làm. Abert Einstein từng nói: “Chúng ta không thể giải quyết những tồn tại hiện nay bằng tư duy được hình thành cùng thời với những tồn tại đó”.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, kết quả xếp hạng chỉ số này chưa phản ánh thật sự chính xác. Bởi, đã có một số điều chỉnh trong cách đánh giá của báo cáo, điều này dẫn đến các chỉ số của Việt Nam cũng thay đổi. Trong đó, chỉ số mới “Tác động kinh tế – xã hội của du lịch” của Việt Nam chỉ xếp hạng 115/119 nền kinh tế là khá bất ngờ.