Yến sào Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Pháp
Tại Việt Nam, việc nuôi yến cho mục đích thương mại bắt đầu được biết đến từ năm 2004 tại một số địa phương ở phía Nam. Trong 10 năm gần đây, ngành nghề này đã mở rộng nhanh chóng với đa dạng hình thức và cỡ lớn nhỏ khác nhau. Nhiều địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi đã phát triển nghề nuôi chim yến, từ đó tạo ra công ăn việc làm và nguồn thu nhập ấn tượng cho cư dân.
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với trên 22 nghìn nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế rất cao.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam đang có nhiều cơ sở để hình thành một ngành công nghiệp về yến. Việt Nam đã xếp yến sào là một trong những sản phẩm chăn nuôi đặc biệt. Việt Nam cũng đã triển khai nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành yến và mục tiêu đạt tỷ USD là không quá xa.
Cuối tháng 4 vừa qua, lô hàng tổ yến sào và các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đạt chuẩn chất lượng kiểm định nghiêm ngặt của thị trường châu Âu và được thông quan 100% vào Pháp. Đây cũng chính là lô hàng yến sào đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Pháp. Lô hàng xuất khẩu chính ngạch bao gồm: Tổ yến sào Nha Trang; Yến Hũ Dinh Dưỡng và Cà phê Yến Sào Nha Trang.
Chia sẻ về thành công này, bà Trần Thanh Hải, Giám đốc công ty Hải Yến Nha Trang cho biết: “Chúng tôi đã có thời gian làm việc khá dài để cùng các cơ quan chức năng của Pháp tạo nên bộ khung kiểm định cho các sản phẩm yến sào từ những công đoạn đầu tiên cho đến khi hàng hóa sang Pháp và được kiểm định thành phẩm”.
Trước đó, hồi cuối năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên sang thị trường Trung Quốc. Công ty Cổ phần Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam cũng là đơn vị đầu tiên được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số cho phép xuất khẩu hai nhóm sản phẩm tổ yến (gồm có: tổ yến tinh chế và yến hũ chưng sẵn).
Trung Quốc, với dân số trên 1,4 tỷ người, đứng đầu thế giới về thị trường tiêu thụ tổ yến, hấp thụ trên 300 tấn mỗi năm và chiếm tới khoảng 80% lượng tiêu thụ toàn cầu.
Tổ yến của Việt Nam có giá trị kinh tế cao hơn các nước trong khu vực
Chim yến sống chủ yếu tại các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam. Chim yến Việt Nam loài cho tổ chim yến đảo thiên nhiên có chất lượng cao hàng đầu thế giới.
Tổ yến sào được tìm thấy ở các khu vực có địa hình hiểm trở như vách đá, hang động ven biển… như tại tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa… Tổ yến thường được khai thác làm hai đợt. Đợt thứ nhất vào tháng 3 trước khi chim đẻ trứng. Đợt thứ hai vào tháng 7-8 sau khi chim non rời tổ, tự bay và kiếm mồi.
Tổ yến hình nôi tròn hoặc bầu dục, cong bán nguyệt, màu trắng xám, có khi màu hồng hoặc đỏ, to bằng nửa quả trứng vịt, dài khoảng 7 cm, rộng 5 cm, nặng độ 10 g. Yến sào là hợp chất bao gồm 2 yếu tố chính là glyco và protein.
Theo thông tin từ báo Nhân dân, yến sào Việt Nam (yến sào Khánh Hòa) luôn có giá cao trên thị trường thế giới, hơn hẳn yến sào từ các nước khác trong khu vực. Thậm chí, CITES – cơ quan thực thi Công ước quốc tế về các loài động vật quý hiếm – đã đánh giá Công ty Yến sào Khánh Hòa là nhà quản lý, khai thác và phát triển bền vững yến sào tốt nhất khu vực Đông Nam Á.
Nuôi chim yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, 1.500 – 2.000 USD/kg tổ yến. Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, sản lượng yến dự kiến đạt 350 – 400 tấn, với giá trị khoảng trên 1 tỷ USD.
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng nghề nuôi chim yến của Việt Nam cũng còn không ít thách thức. Nguyên nhân là ngành yến Việt Nam là việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát là chủ yếu, chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, thiếu tính liên kết… nên giá trị thu về chưa tương xứng.
Để nâng tầm thương hiệu yến sào Việt Nam, theo các chuyên gia, điều cần làm là ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn kết từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.