Tại tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia – Tiếng nói người trong cuộc” do Báo Tiền phong tổ chức sáng 6/3, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, phân phối xăng dầu tiếp tục phản ánh tình trạng khó khăn trong kinh doanh.
Ông Giang Chấn Tây – Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng chiết khấu bán lẻ ở mức thấp kéo dài hơn một năm qua đã làm cho các doanh nghiệp lỗ nặng, bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ. “Tuy vậy, dù lỗ chúng tôi vẫn phải bán” ông Tây nói.
Đứt gãy xăng dầu lộ rõ vấn đề vĩ mô
Ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn (Saigon Petroleum), cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc xăng dầu bị đứt gãy là giá. Ông đề nghị giá xăng dầu cần phải tính đúng, tính đủ, tính kịp thời trong cả 3 khâu từ đầu mối, phân phối, bán lẻ.
“Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta cứ lấy giá 6 tháng trước áp cho 6 tháng. Đây là điều trái với quy luật trong khi xăng dầu là mặt hàng biến động rất nhanh theo từng ngày, từng giờ”, ông nói.
Ông Hán đề nghị liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh điều chỉnh kịp thời bởi cơ quan chức năng mới tính giá cơ sở ở đầu mối, chưa tính đến giá lưu thông. Ngoài ra, theo ông Hán, trong quá trình sửa đổi Nghị định 95 cần sửa đổi một cách toàn diện, đồng bộ. Bởi 2 Nghị định trước mới chỉ nói về xăng dầu, nhưng có những đề liên quan chưa nói đến như lao động, vấn đề môi trường, phòng cháy chữa cháy, giao thông…
Đặc biệt, ông Hán cho rằng, cơ quan chức năng cần sửa đổi cụm từ “thương nhân phân phối”, tránh gọi đây tầng lớp trung gian bởi đây là cụm từ như thời bao cấp, chưa thể hiện được tính thị trường và dễ gây hiểu nhầm.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết sau ngày 14/2, hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định 95 về xăng dầu được tổ chức ở VCCI thì chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại 1.000-1.500 đồng/lít, tùy khu vực. “Đây là hiện tượng không bình thường trong khi Nghị định chưa sửa lại và diễn biến thị trường không hề thay đổi”, ông đặt vấn đề.
Trong khi đó, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP), cho rằng về bản chất, thương nhân đầu mối cũng được hình thành theo Nghị định 83, phải đáp ứng đủ điều kiện luật định mới được cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối là trung gian, gây đứt gãy, khiến chi phí tăng cao.
“Nếu thương nhân phân phối thực sự là trung gian, là nguyên nhân của vấn đề gây đứt gãy thì tôi nghĩ nên cắt bỏ. Cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân sâu xa của đứt gãy là gì? Trên thực tế, thương nhân phân phối đang là bên bị đổ lỗi”, ông Dũng nói.
Ở góc độ thương nhân phân phối, ông Văn Tấn Phụng , Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai, cho rằng thương nhân phân phối có cùng nỗi khổ như doanh nghiệp bán lẻ. Thời gian qua, cả bán lẻ, thương nhân đều lỗ.
“Doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối đang là tác nhân, nguyên nhân khiến phân phối và bán lẻ bị lỗ. Việc đứt gãy xăng dầu, qua dịch bệnh, chiến tranh, lộ rõ điều hành vĩ mô có vấn đề. Đây là giọt nước tràn ly, cho thấy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khi toàn hệ thống có những bất cập”, ông nhìn nhận.
Theo ông, luật phải thị trường hóa, cạnh tranh, giảm bớt sự điều hành của Nhà nước. Đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ phải hài hòa lợi ích. “Điều hành giá cần trở lại 15 ngày, để doanh nghiệp đủ thời gian tính toán. Cơ quan quản lý hậu kiểm nhưng không làm doanh nghiệp sốc”, ông Phụng đề xuất.
Sửa quy định phải căn cơ và lâu dài
Về vấn đề chiết khấu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương – cho rằng phải đặt ngược lại là tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra; chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho…
Về chi phí lợi nhuận định mức, ông cho biết Bộ Tài chính rất nỗ lực cùng Bộ Công Thương nhưng diễn biến thị trường thời gian qua, chi phí biến động liên tục nên phải thông cảm cho Nhà nước không thể kịp theo những biến động quá nhanh. Nếu giữ cách thức như hiện nay phải chấp nhận ưu và nhược điểm.
“Trong thời gian qua, không chỉ doanh nghiệp bán lẻ, phân phối mà doanh nghiệp đầu mối cũng khó khăn. Tất cả các khâu khi kinh doanh thua lỗ, bán ra càng nhiều thì đều muốn hạn chế không riêng gì thương nhân đầu mối. Chúng ta phải xử lý căn cơ vấn đề này thế nào?”, ông Đông đặt vấn đề.
Theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương quan điểm sửa nghị định nhưng không vội vàng, cần sửa căn cơ, lâu dài, hướng tới thị trường hơn để giảm bớt cả khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn, không thể chạy theo những thay đổi quá nhanh chóng của thị trường.
Đối với kiến nghị Nhà nước phân chia chiết khấu cho các khâu, ông Đông cho rằng vấn đề này nếu quy định tức Nhà nước sẽ đi quá sâu vào hoạt động và quan hệ dân sự của từng doanh nghiệp.
“Còn giải pháp triệt để để tránh chiết khấu 0 đồng thì các yếu tố khách quan, biến động hàng ngày sẽ trả về nhiều hơn cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tự chủ hoạt động của mình nhiều hơn, tự khắc câu chuyện chiết khấu sẽ được xử lý”, ông nói.
Về chiết khấu, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá, cho biết Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về chi phí chiết khấu cho bán lẻ.
“Trên cơ sở chi phí của thương nhân phân phối, chúng tôi đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, rà soát chi phí định mức trong công thức tính giá cơ sở trên cơ sở phát sinh. Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu, rà soát để các khâu trong tính giá cơ sở, công khai tới doanh nghiệp”, ông Tiến nói.
Năm 2022, tình trạng dừng bán hàng ở nhiều cây xăng xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Cảnh người dân xếp hàng mua xăng kéo dài được cho là đã nhiều năm chưa xảy ra.
Nhiều thương nhân đầu mối xăng dầu cho biết không có nguồn xăng để nhập hàng, một số khác thì nói rằng càng bán, càng lỗ. Trong khi đó, giá xăng biến động mạnh, có lúc đã vượt 31.000 đồng/lít. Tình trạng thiếu xăng cơ bản được khắc phục vào các tháng cuối năm.