Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?
Hưởng ứng kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng về việc đưa mức lãi suất huy động về dưới 9,5%/năm (kể cả ưu đãi), nhiều ngân hàng đã thông báo công khai hạ lãi suất huy động từ 1-2,5%/năm so với trước, lãi suất cho vay cũng được giảm theo. Đến nay, hầu hết ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ 9,5%, trong khi lãi suất trước đó lên tới 11-12%.
Tuy vậy, hiện vẫn còn một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất vượt mức cam kết chung 9,5%.
Trong đó, ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất tiết kiệm cao nhất thị trường hiện nay là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
SCB đang áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất tới 9,95%/năm cho hình thức gửi tiết kiệm online, ở các kỳ hạn từ 12 – 36 tháng. Nếu khách gửi tiết kiệm online tại SCB ở các kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng cũng nhận được mức lãi suất hấp dẫn tới 9%/năm. Kỳ hạn 1-5 tháng tại SCB với hình thức tiết kiệm online là 6%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tại quầy của SCB cao nhất là 9,95%/năm ở kỳ hạn 12 tháng; 9,6%/năm đối với các kỳ hạn từ 18 – 36 tháng; 6%/năm cho kỳ hạn 1-5 tháng; 7,8%/năm kỳ hạn 6 tháng, 8,9%/năm kỳ hạn 9 tháng. Ngoài ra, SCB còn tặng thêm 0,8% coupon lãi suất với kỳ hạn từ 6-11 tháng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng đang đưa ra mức lãi suất huy động hấp dẫn nhất đối với người gửi tiền.
Theo đó, NCB đang áp dụng lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn từ 1-6 tháng; kỳ hạn 6 tháng được hưởng mức lãi suất 9,5%/năm; khách gửi tiền ở khỳ hạn từ 7-9 tháng nhận mức lãi suất 9,6%/năm; kỳ hạn 10-12 tháng có mức lãi suất 9,7%/năm; khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 13 tháng trở lên còn được hưởng lãi suất lên đến 9,9%/năm.
Với các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn, lãi suất huy động đã giảm sâu so với trước đây, hầu hết đều bằng hoặc dưới mức cam kết chung 9,5%/năm.
KienLongBank, ĐongABank và PGBank hiện vẫn áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm ở các kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng. Nhiều ngân hàng cũng có lãi suất cao nhất từ 9%/năm trở lên như BacA Bank, Ngân hàng Bảo Việt, OCB, OceanBank, PVcomBank, VPBank và Saigonbank.
Còn nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV có mức lãi suất huy động kém hấp dẫn nhất. Kỳ hạn 3-5 tháng được nhóm Big 4 cùng đưa ra mức lãi suất 5,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên cũng có chung mức lãi suất 7,4%/năm.
Xét trong tổng thể hơn 30 ngân hàng thương mại, lãi suất ở các kỳ hạn có sự chênh lệch đáng kể.
Ở kỳ hạn 3-5 tháng hình thức gửi tại quầy, hiện phần lớn các ngân hàng đều niêm yết lãi suất ở mức tối đa cho phép là 6%/năm. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng áp dụng ở mức thấp hơn, trong đó Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank cùng mức 5,4%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên có chênh lệch rất lớn giữa các ngân hàng. Chẳng hạn, tại kỳ hạn 6 tháng, ĐongABank áp dụng mức lãi suất tiết kiệm tới 9,35%/năm nhưng MBBank chỉ đưa ra mức lãi suất huy động là 5,7%/năm. Tại DongABank, với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên, khách hàng được cộng thêm 0,7-0,85%/năm, tức lãi suất có thể lên tới trên 10%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, phần lớn ngân hàng đều niêm yết lãi suất không quá 9,5%/năm. Cụ thể: Kienlongbank (9,5%), Saigonbank (9,5%), NamABank (9,5%), Techcombank (9,5%), VPBank (9,4%), SHB (9,1%/năm), ACB (9%),…
Tuy vậy, vẫn có một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất xấp xỉ mốc 10%/năm như SCB, DongABank và NCB.
Tại kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, hầu hết ngân hàng đều niêm yết lãi suất huy động cùng mức với kỳ hạn 12 tháng. Ở các kỳ hạn này, nhóm ngân hàng nhỏ như: DongABank, NCB, SCB là những nhà băng có lãi suất cao nhất.
Lãi suất có tăng trở lại?
Lãi suất huy động gần đây đã hạ nhiệt. Nhưng một số chuyên gia cho rằng hiện vẫn chưa phải “đỉnh” lãi suất. Do đó, mặt bằng lãi suất có khả năng sẽ tăng trở lại.
Thực tế, một số ngân hàng mới điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.
Cụ thể, Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động một số kỳ hạn ngắn. Theo đó, Vietcombank tăng lần lượt 0,8%/năm và 0,3%/năm đối với lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1 và 3 tháng, đưa mức lãi suất lên thành 6%/năm. Còn lãi suất huy động đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không đổi.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng mới đưa ra biểu lãi suất mới, theo hướng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng lên mức 9,5%/năm, kỳ hạn dưới 6 tháng lên thành 6%/năm.
Giới phân tích nhận định, trước những biến động khó lường trên thế giới, áp lực kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá vẫn còn, áp lực tăng lãi suất tại Việt Nam vẫn hiện hữu. Lãi suất có thể sẽ tăng ngay trong quý I/2023 và quý II/2023 sẽ là thời điểm lãi suất bắt đầu hạ nhiệt.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong quý I/2023 và giữ nguyên cho đến cuối năm 2024 nhằm duy trì sự ổn định.
Tương tự, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) dự báo nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất do lãi suất điều hành của Mỹ vốn đã vượt mức trước dịch Covid-19 trong khi mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch.
Còn các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lãi suất liên ngân hàng có thể tăng thêm 0,5-1 điểm % trong nửa đầu năm 2023 khi Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất. ACBS cũng kỳ vọng lãi suất điều hành của Việt Nam có thể thêm 1-2 điểm % vào năm 2023.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích của VNDirect cho biết, áp lực lên lãi suất và tỷ giá phần nào sẽ được giải tỏa từ giữa năm 2023.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho hay, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023 trong bối cảnh lạm phát năm 2023 sẽ chỉ ở mức 3-3,5% thấp hơn mức mục tiêu 4-4,5% mà Chính phủ đặt ra.