Những động lực tích cực 2023
Ngành ngân hàng đã trải qua một năm 2022 đầy biến động trước ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, áp lực tỷ giá, lãi suất tăng cao.
Bước sang năm 2023, giới phân tích cho rằng ngành ngân hàng sẽ gặp nhiều trở ngại hơn do hi sinh lợi nhuận (NIM thu hẹp), chính sách tiền tệ bị thắt chặt và những bất ổn vĩ mô, tăng trưởng tín dụng chậm lại và đối mặt với những lo ngại về chất lượng tài sản.
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, lợi nhuận năm 2023 của các ngân hàng sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao như năm 2022, đồng thời kỳ vọng chi phí dự phòng sẽ bắt đầu gia tăng kể từ quý IV/2022.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn sẽ nhận được động lực tăng trưởng từ nhiều yếu tố như nới room tín dụng, lãi suất, thu nhập từ phí và việc tăng vốn của các ngân hàng.
Đầu tiên là yếu tố hỗ trợ đến từ việc nới room tín dụng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định nới room tín dụng thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng với nguyên tắc ưu tiên các tổ chức có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp.
Trong bối cảnh chênh lệch tín dụng – huy động âm, NHNN tỏ ra khá thận trọng đối với điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023. Dù NHNN chưa tiết lộ con số tăng trưởng tín dụng mục tiêu của năm 2023 nhưng thông điệp được phát đi từ nhà điều hành là sẽ hỗ trợ cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát lên hàng đầu.
Công ty cổ phần KB Securities Việt Nam (KBSV) cho rằng tăng trưởng cung tiền sẽ chịu tác động trái chiều. Song điều tích cực là NHNN sẽ có dư địa để nới lỏng chính sách hơn trong năm 2023 khi áp lực tỷ giá và lạm phát được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022, khi các đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt. KBSV dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 13-14 %, huy động tăng cao đạt 12% giúp cung tiền tăng trở lại 13%
Một yếu tố cũng đáng chú ý trong năm 2023 là lãi suất. Lãi suất tăng nóng trong giai đoạn cuối năm 2022. Nhưng sang năm 2023, lãi suất sẽ hạ nhiệt.
Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển nhận định, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I/2023 và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi.
Chung quan điểm, ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty Dữ liệu WiGroup, cho rằng, năm 2023, tình hình sẽ dần dễ thở hơn, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trọng tâm chính sách của NHNN và Chính phủ năm 2023 cần phải đi theo hướng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Muốn giảm lãi suất, đồng nghĩa cung tiền phải tăng lên.
Mặt khác, áp lực huy động vốn tăng cao kéo theo chi phí vốn tăng dẫn đến ảnh hưởng làm giảm tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh nâng lãi suất huy động từ giữa năm 2022 khiến NIM có thể giảm nhẹ.
Các chuyên gia cho rằng, trong năm 2023 dù NIM bị thu hẹp nhưng sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực do lãi suất được dự báo sẽ giảm nhiệt dần.
Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), năm 2023, ngành ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 231.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, thị trường bancassurance tiếp tục sôi động và cũng là một trong những động lực cho ngành ngân hàng trong năm 2023.
Một điểm tích cực nữa là các ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn. Các “ông lớn” ngân hàng có vốn nhà nước kiến nghị sớm được tăng vốn trong năm 2023 nhằm nâng cao năng lực tài chính.
Vietcombank dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường bàn về việc tăng vốn. Agribank thông báo phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để tăng vốn cấp 2. Trong khi đó, OCB đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 4.106 tỷ đồng.
Xu hướng siết chặt
NHNN đánh giá 2023 là năm kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023, NHNN cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Cơ quan quản lý tiền tệ cũng sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng.
Song song đó, NHNN sẽ điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiên quyết không để thiếu vốn cho nhu cầu vốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, cơ quan điều hành sẽ tăng cường, củng cố công tác thanh tra, giám sát; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; chú trọng phát triển tín dụng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…