UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Kế hoạch số 555/KH-UBND về việc xây dựng công tác chuẩn bị cho Festival “Về miền Quan họ – 2023” với chủ đề kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.
Festival là một trong những chương trình phát động các phong trào thi đua yêu nước; thiết thực chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2023); nhằm tạo thế và lực đảm bảo “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; hướng tới mục tiêu đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tỉnh Bắc Ninh dự kiến sẽ tổ chức Chương trình Festival “Về miền Quan họ – 2023”, tại TP. Bắc Ninh và một số huyện, thành phố trong tỉnh từ ngày 24 – 28/02/202, kết nối di sản văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc với các địa phương trong và ngoài nước.
Chương trình sẽ bao gồm các hoạt động chủ đạo như: Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng miền Quan họ”, dự kiến diễn ra vào 20h ngày 24/02/2023; Lễ đón Bằng công nhận bảo vật Quốc gia đối với 4 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận đợt 11, năm 2022; chương trình giới thiệu, trình diễn những nét tinh hoa của di sản văn hóa phi vật thể Dân ca quan họ Bắc Ninh.
Festival “Về miền Quan họ 2023” cũng là lời khẳng định của UBND tỉnh Bắc Ninh với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi thể của nhân loại là Dân ca quan họ Bắc Ninh. Bên cạnh đó cũng là nơi để quảng bá sâu rộng tới bạn bè trong nước và quốc tế về truyền thống văn hóa đặc sắc, gia tăng sự hiểu biết của cộng đồng về vùng đất, văn hóa và con người Bắc Ninh. Khẳng định những thành tựu và sức sống của di sản văn hóa Quan họ vẫn luôn được gìn giữ và phát triển tại cộng đồng.
Việc phát huy giá trị của di sản Dân ca Quan họ và các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vùng miền trong cả nước được UNESCO công nhận cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kích cầu phát triển du lịch, tạo đà tăng trưởng song song với các thế mạnh công nghiệp sau đại dịch Covid-19. Được thể hiện bằng sự hiện diện của các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận: Nhã nhạc Cung đình (Huế); hát xoan (Phú Thọ); bài chòi (Quảng Nam); ca trù (Hà Nội); đờn ca tài từ Nam bộ (Bạc Liêu); hát then (Bắc Giang); dân ca ví dặm (Hà Tĩnh); cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Lắk) về tham dự Festival.
Bên cạnh đó còn có các hoạt động bổ trợ, thường niên như: Chương trình hát dân ca quan họ trên thuyền, với chủ đề “Sum họp trúc mai”; tổ chức chương trình giao lưu hát canh quan họ tại các nhà chứa quan họ; hoạt động trải nghiệm đường phố; triển lãm, trưng bày tư liệu, hiện vật, sản phẩm văn hóa; trưng bày triển lãm công nghiệp nông thôn tỉnh Bắc Ninh; tổ chức một số trò chơi dân gian; hoạt động thể thao…